Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn (1/11), một lần nữa đưa đảng Công lý và Phát Triển (AK) đủ khả năng trở thành đảng cầm quyền mà không cần phải liên minh với đảng phái nào khác.
Ông Erdogan kêu gọi tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn sau khi đảng AK mất đa số ghế trong quốc hội hồi tháng Sáu, còn Thủ tướng Ahmet Davutoglu không thể thành lập một chính phủ liên hiệp.
Reuters dẫn lời nhiều nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, ngay từ đầu, ông Erdogan đã không có ý định để cho các cuộc đàm phán thành lập liên minh đảng cầm quyền thành công, và thậm chí, còn gây áp lực với ông Davutoglu.
Cũng theo đánh giá của hãng tin này, với kết quả bầu cử Quốc hội hôm 1/11, mối quan hệ giữa ông Erdogan với lực lượng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ - vốn đã không tốt đẹp, nhiều khả năng sẽ còn tồi tệ hơn nữa.
Tổng thống Erdogan sẽ không thể nào quên được cách mà người Kurd đã đánh bại đảng của ông này hồi tháng Sáu cũng như sự phản đối mà ông này phải hứng chịu trong cuộc bầu cử lần này.
"Khả năng lực lượng người Kurd và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục xảy ra xung đột tại các khu vực của người Kurd không còn là cường điệu hoá tình hình nữa", Reuters khẳng định.
Trong tình hình an ninh khu vực đang xấu đi nhanh chóng, đặc biệt là tại Iraq và Syria, thì những gì diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến các quốc gia Trung Đông, thậm chí là cả Mỹ và châu Âu, phải lo ngại.
Vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với việc nước này là thành viên của NATO, khiến họ trở thành đối tác không thể thiếu trong việc đối phó với sự bành trướng của IS, hành động của Nga trong khu vực cũng như cuộc nội chiến ở Syria và khủng hoảng di cư đang diễn ra.
Trong khi đó, Mỹ từ lâu đã coi người Kurd là một lực lượng hỗ trợ đắc lực cho cuộc chiến của Mỹ chống IS.
Giờ đây, theo Reuters, phương Tây đang rơi vào tình thế rất éo le khi phải ứng phó với ông Erdogan - mạo hiểm đấy, nhưng tìm kiếm một sự thay thế thì còn tồi tệ hơn.
Ngay cả với Nga, lợi ích của nước này trong khu vực, mà trước mặt nhất là cuộc chiến dịch không kích tại Syria cũng sẽ bị ảnh hưởng khi mới đây, nước này từng bày tỏ mong muốn hợp tác với lực lương dân quân người Kurd chống IS.
Hồi đầu tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng cảnh báo việc Nga, Mỹ hỗ trợ vũ khí cho lực lượng người Kurd chống IS ở Syria, bởi những lo ngại về vấn đề an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố ông sẽ không chấp nhận việc Mỹ viện trợ bất cứ loại vũ khí nào cho các chiến binh người Kurd và sẽ làm tất cả để ngăn cản điều đó, bởi lực lượng này chẳng khác nào khủng bố.