Mỹ cần làm gì với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông?
Wall Street Jourrnal (Mỹ) hôm 6/8 cho hay, Bắc Kinh hiện đang tuyên bố (phi pháp-PV) chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông, đồng thời liên tục tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại các khu vực nước này chiếm đóng, với diện tích lên tới 2000 mẫu Anh.
Trước đây, Trung Quốc thường ngụy biện hành vi phi pháp của mình bằng luận điệu nước này xây đảo nhân tạo để phục vụ hoạt động dân sự, cứu hộ cứu nạn và nghiên cứu đại dương.
Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc bất ngờ tuyên bố "gần hoàn tất hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông" hồi tháng 6 vừa qua, cho đến nay, Bắc Kinh đã ''trở mặt'' và thẳng thừng thừa nhận có kế hoạch bố trí cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo, đá này.
Washington vẫn tỏ rõ lập trường phản đối quyết liệt đối với tuyên bố "đường 9 đoạn" về chủ quyền phi pháp mà Trung Quốc đòi hỏi ở Biển Đông.
Kém về quân sự, Trung Quốc dùng "tàu sân bay không chìm''
Tuy nhiên, WSJ chỉ ra, hành động của Bắc Kinh dù khiến Mỹ, Nhật, Philippines và các quốc gia trong khu vực bất an, ''nhưng chỉ là một cách thức không cân xứng hòng xác lập sự hiện diện quân sự ở Biển Đông''.
Theo đó, Mỹ đã và đang thể hiện được vai trò của mình trên thế giới bằng việc chế tạo và sở hữu các tàu sân bay hiện đại, đồng thời đưa lực lượng này vào Biển Đông. Ngay cả về sau này, Washington cũng sẽ tiếp tục làm như vậy.
Trong khi đó, với tham vọng không che giấu ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông nhưng Trung Quốc hiện chỉ sở hữu một tàu sân bay tầm trung và ''vẫn đang học cách sử dụng nó'', WSJ cho biết.
Sự chênh lệch sức mạnh không thể chối cãi buộc Bắc Kinh phải tìm cách khác để đưa quân đội của mình hiện diện trên Biển Đông. Vì vậy, trong khi Mỹ chế tạo tàu sân bay thì Trung Quốc... xây đảo nhân tạo (phi pháp-PV).
WSJ khẳng định, những gì Bắc Kinh đang thể hiện ở châu Á-Thái Bình Dương là "ỷ mạnh hiếp yếu", ngang ngược cưỡng đoạt phi pháp đảo, đá và thiết lập các "trạm quân sự tiền tiêu".
Việc Mỹ phản đối các hành vi của Trung Quốc, đồng thời kiên quyết thực hiện các quyền tự do hàng hải ở Biển Đông đã nhận được sự ủng hộ và nhiều phản ứng tích cực từ cộng đồng quốc tế.
Dù vậy, theo WSJ, Washington vẫn cần phải thận trọng và nhận định đúng về các đảo nhân tạo trái phép Trung Quốc xây dựng, xem đây là ''những chiến hạm và tàu sân bay không chìm'' của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Nhà Trắng đã cam kết đến năm 2020, Mỹ sẽ bố trí 60% lực lượng tàu chiến của nước này tại Thái Bình Dương, cao hơn mức bình thường trong quá khứ là 50%.
WSJ đánh giá đây là sự "xoay trục" hợp lý, cân bằng và phù hợp, đồng thời cũng được Mỹ duy trì tính minh bạch.
Tờ báo Mỹ mỉa mai, nếu sự bành trường quân sự của Trung Quốc cũng được thực hiện một cách hợp pháp, với quy mô và độ minh bạch tương đồng với Mỹ, thì nước này đã không tự biến mình thành tâm điểm chỉ trích của dư luận quốc tế.
Vấn đề thực sự là, Trung Quốc đã, đang và sẽ sử dụng các nguồn lực mà họ có được (hợp pháp hay phi pháp) như thế nào, cũng như bước tiếp theo trong việc thực hiện dã tâm trong khu vực của Bắc Kinh là gì.
"Còn đối với các đảo nhân tạo có 1-2 máy bay chiến đấu, hoàn toàn chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên hay lo ngại" - WSJ kết luận.