Sứ mệnh của Giám đốc tình báo Mỹ khi tới Triều Tiên

Thanh Hảo |

Đúng hai tuần sau khi thả công dân Mỹ Jeffrey Fowle (hôm 22/10), Triều Tiên tiếp tục trả tự do cho hai tù nhân Mỹ nữa, trao họ cho quan chức tình báo cấp cao nhất của Chính phủ Mỹ, James Clapper.

Theo trang 38 North thuộc trường Đại học John Hopkins, lý do Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ đích thân tới Triều Tiên để đón hai công dân Mỹ là một vấn đề thú vị. Thông tin ban đầu cho thấy, đây là một diễn biến "hoàn toàn bất ngờ". Và nếu không biết rõ chính xác những gì đang diễn ra thì khó có thể nói việc Triều Tiên thả các công dân Mỹ có ý nghĩa thế nào.

Trước đó, CNN đưa tin, bánh xe bắt đầu đổi hướng vào ngày 5/11, sau khi Triều Tiên gợi ý Washington cử một quan chức cấp Nội các tới Bình Nhưỡng. Có thể, quyết định phái ông Clapper tới chủ yếu là để thỏa mãn yêu cầu mà cả hai phía đặt ra - Bình Nhưỡng muốn ai đó "cấp cao" còn Washington lại không muốn một người mang tầm quan trọng chính trị. Vì vậy, Clapper được chọn vì ông là một "mẫu số" chung thấp nhất.

Tuy nhiên, các quan chức tình báo Mỹ (trước kia và cả bây giờ) đều đang có những chuyến đi "bí mật" tới Triều Tiên vài năm qua. Trong bối cảnh đó, việc Mỹ nâng tầm đại diện tới vị trí của Clapper - dù không phải là một phần chính thức của đối thoại kín - sẽ ẩn chứa một sức mạnh mang tính biểu tượng.

Những cuộc gặp "sân sau" giữa Mỹ và Triều Tiên đến giờ dường như chưa đạt được mục đích nào trọn vẹn nhưng tất cả đang dần mở ra và ít nhất họ đã thiết lập được các cuộc tiếp xúc hữu ích trong vụ việc lần này.

Trên thực tế, làm việc thông qua các kênh tình báo không phải hiếm với người Triều Tiên. Trong nhiều thập niên qua, hầu hết các đối thoại liên Triều đều được tổ chức ở "hậu cảnh" thông qua các quan chức thuộc cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc. Và điều đó vẫn diễn ra ngay cả khi hai bên không đạt được kết quả nào.

Một quan chức của Bộ Công an Triều Tiên cũng là người mà Triều Tiên dùng vào cuộc đối thoại bí mật kéo dài với Tokyo trước khi Thủ tướng Nhật Bản Koizumi có chuyến thăm Triều Tiên vào tháng 9/2002.

Việc Triều Tiên phóng thích các công dân Mỹ được cho là sẽ không tạo ra một sự khác biệt nào đối với tình trạng hiện tại của mối quan hệ Mỹ - Triều, và cũng sẽ không khiến hai bên tiến gần hơn tới bất kỳ một tiến trình nào, chẳng hạn như một cuộc đối thoại hữu ích.

Triều Tiên có lẽ biết rõ điều đó, nhưng họ không thích giam giữ các công dân Mỹ lâu. Họ đã mất nhiều tháng trời nghĩ cách loại bỏ ba người này. Phía Mỹ thì ngay lập tức tuyên bố việc thả các công dân của mình sẽ không làm thay đổi lập trường của Washington về những gì Triều Tiên cần phải làm trong lĩnh vực hạt nhân và nhân quyền.

Các thông tin báo chí cho biết, ông Clapper đã được cử đi như một phái viên của tổng thống để "sẵn sàng lắng nghe". Chưa rõ Giám đốc Tình báo Mỹ lắng nghe đến đâu, nhưng trong bất kỳ sự kiện nào thì ít có khả năng ông phải gánh vác trách nhiệm lớn (hoặc như Tổng thống Mỹ đã nói, thực hiện một "sứ mệnh đầy thử thách").

Nhiều người đang đặt câu hỏi tại sao Triều Tiên quyết định thả 2 công dân Mỹ vào lúc này. Có thể có liên quan khi sự kiện này diễn ra đồng thời với thông báo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm 4/11.

Thông báo của Bình Nhưỡng (dưới hình thức một phát ngôn viên trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn KCNA) kết nối hai vấn đề chính đang được đặt lên bàn đàm phán - nhân quyền và chương trình hạt nhân của Triều Tiên - theo một cách thức mới. Theo đó ám chỉ rằng, nếu vấn đề nhân quyền bị Mỹ và các nước thúc ép quá mức thì nó sẽ dẫn tới phản ứng dưới dạng một diễn biến trong lĩnh vực hạt nhân (một cuộc thử nghiệm?!).

Tuy vậy cùng lúc đó, phát ngôn viên kể trên cũng tỏ ra dè dặt, khi nhắc đến chính quyền Mỹ, thậm chí ngụ ý vấn đề hạt nhân có thể được bàn bạc, nếu Mỹ "không nhất quyết hạ gục Triều Tiên bằng bất kỳ giá nào".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại