Số phận thăng trầm cay đắng của công thần hàng đầu Trung Quốc

Hải Võ |

Từng là nhân vật thân cận nhất của Mao Trạch Đông và tham gia thanh trừng "nhóm 4 tên" trong Cách mạng Văn hóa, nhưng Uông Đông Hưng vẫn bị "loại" khỏi chính trường Trung Quốc.

Tân Hoa Xã thông báo, "5h28' sáng 21/8/2015, đồng chí Uông Đông Hưng - đảng viên ưu tú đảng CSTQ, chiến sĩ trung thành với cộng sản chủ nghĩa, nhà cách mạng giai cấp vô sản, từng đảm nhận chức vụ lãnh đạo quan trọng, đã qua đời do lâm bệnh nặng, hưởng thọ 100 tuổi".

Sự nghiệp của người được Mao Trạch Đông tín nhiệm nhất

Trang Đa Chiều bình luận, trong thông báo nói trên, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đã không nêu rõ "chức vụ quan trọng của đảng" mà Uông Đông Hưng từng đảm nhận là gì. Điều này được cho là không bình thường trong cáo phó một cựu lãnh đạo của Trung Quốc.

Theo thông tin được công khai trên kho dữ liệu Baidu (Trung Quốc), Uông Đông Hưng sinh tháng 1/1916 tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc và gia nhập đảng CSTQ năm 1932, sau đó tham gia Hồng quân, trải qua cuộc Trường chinh và kháng Nhật của Trung Quốc.

Từ năm 1947, ông Uông đảm nhận vai trò vệ sĩ của Mao Trạch Đông và đi theo Mao, Chu Ân Lai... phụ trách công tác cảnh vệ, rất được Mao tín nhiệm.

Năm 1949, Uông giữ các chức Phó chủ nhiệm Sở thư ký Chính vụ viện, Phó chủ nhiệm Văn phòng Ban Bí thư Trung ương đảng CSTQ, Phó cục trưởng Cục 8 Bộ công an, Cục trưởng Cục 9, Thứ trưởng công an...

Ảnh chụp Uông Đông Hưng (trái) cùng Mao Trạch Đông năm 1955. Nguồn: Phượng Hoàng.

Năm 1955, Uông được phong hàm Thiếu tướng và trở thành lãnh đạo lực lượng cảnh vệ nội bộ Trung Nam Hải, người phụ trách Cục cảnh vệ Quân ủy Trung ương, giữ vai trò "vô cùng quan trọng" trong mọi hoạt động đi lại, ăn ở của Mao Trạch Đông.

Sau khi Cách mạng Văn hóa (CMVH) bắt đầu ở Trung Quốc, vị thế của Uông ngày một lên cao. Từ năm 1968, ông này giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đảng, đồng thời tiếp tục là Bí thư thứ nhất đảng ủy Cục cảnh vệ Trung ương, Cục trưởng Cục cảnh vệ Bộ tổng tham mưu.

Giai đoạn này, Uông Đông Hưng là một trong những người được Mao Trạch Đông tín nhiệm nhất khi về cuối đời.

Tháng 4/1969, Uông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị Trung Quốc. 4 năm sau đó, ông này trở thành Ủy viên Bộ chính trị.

Công thần bị "loại" khỏi chính trường

Tháng 10/1976, Uông Đông Hưng ủng hộ nhóm Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh xử lý "bè lũ 4 tên". Ông Uông là một trong những người ra quyết sách trong hành động truy bắt nhóm Giang Thanh, Lâm Bưu... mang tên "sự biến Hoài Nhân Đường".

Thời điểm đó, Uông giữ vai trò Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương kiêm Cục trưởng Cục cảnh vệ Trung ương. Bộ đội 8341 - đơn vị bảo vệ các lãnh đạo đảng CSTQ - do Uông đứng đầu đã trực tiếp thực hiện hành động bắt giữ trên.

Tháng 8/1977, sau khi thanh trừng "nhóm 4 tên", Uông Đông Hưng nắm quyền Phó chủ tịch ĐCSTQ, Thường ủy Bộ chính trị. Uông là Phó chủ tịch đảng thứ 4 sau Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Lý Tiên Niệm và được cho là nhân vật "quyền lực thứ 5" của Trung Quốc giai đoạn này.

CMVH kết thúc, nhiều cán bộ lão thành Trung Quốc được khôi phục công tác. Trong quá trình đánh giá Mao Trạch Đông và thái độ đối với CMVH, Uông Đông Hưng bị cho là "xung đột kịch liệt" với các lão thành từng bị "đày đọa" trong quá khứ.

Chính vì điều này, Uông bị Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang cùng nhiều cán bộ lão thành khác phê bình đích danh tại đại hội đảng lần 3 khóa XI vào tháng 12/1978. Đây là "cú đánh nặng nề" vào sự nghiệp hiển hách của nhân vật từng được xem là "công thần" này.

Bức ảnh cuối cùng có mặt "nhóm 4 tên" được chụp ngày 4/10/1976 (Bên trái bàn, từ trái qua: Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn, Uông Đông Hưng), thảo luận việc khai trừ đảng tịch Đặng Tiểu Bình. "Nhóm 4 tên" bị bắt 3 ngày sau đó. Ảnh: Phượng Hoàng

Uông bị miễn chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, Bí thư đảng ủy, Cục trưởng Cục cảnh vệ, Chính ủy Bộ đội 8341 và thậm chí cả chức... Chủ nhiệm văn phòng Ủy ban biên tập xuất bản tác phẩm của Mao Trạch Đông.

Nói cách khác, Uông Đông Hưng bị tước toàn bộ thực quyền và gần như bị loại khỏi chính trường Trung Quốc, Baidu cho hay.

Cũng theo Baidu, "do nhiều nguyên nhân" nên đến đại hội đảng lần 5 khóa XI tháng 2/1980, Uông tiếp tục "được" phê chuẩn từ chức Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương.

Tháng 9/1982, ông lại được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương, nhưng từ năm 9/1985, Uông lại bị "giáng" về làm "Ủy viên Ủy ban cố vấn Trung ương" và hầu như không còn hoạt động chính trị nào.

Đa Chiều chỉ ra, mặc dù các thông tin về lý lịch và sự nghiệp của Uông Đông Hưng được nhà chức trách Trung Quốc công khai, song trong thông báo về tin ông Uông qua đời hôm qua (21/8), Tân Hoa Xã đã không nhắc tên bất kỳ chức vụ nào mà ông từng giữ.

Uông Đông Hưng khi về già

Trung thành với Mao Trạch Đông

Mao Trạch Đông đánh giá "vệ sĩ thân cận" Uông Đông Hưng là "chu đáo, nhưng trình độ lý luận kém, không thích động não".

Đa Chiều cho hay, trong suốt thời kỳ CMVH Trung Quốc, Uông luôn đứng về phía Mao Trạch Đông, thậm chí không nể nang các cán bộ cao cấp bị đấu tố như "khai quốc công thần" Diệp Kiếm Anh, Đặng TIểu Bình...

Ngay cả sau khi Mao qua đời, Uông cũng kiên định ủng hộ Hoa Quốc Phong - nhân vật được Mao chỉ định làm "người kế nhiệm".

Khi đã ngoài 90 tuổi, Uông vẫn đều đặn tới đặt vòng hoa tại Nhà kỷ niệm Mao Trạch Đông ở Bắc Kinh vào ngày mất của Mao. Báo chí Trung Quốc ghi nhận, Uông Đông Hưng "chưa từng để lỡ một lần nào".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại