Saudi Arabia cắt đứt quan hệ với Iran: Trung Đông đang biến thành “lò lửa”

Vừa những ngày đầu tiên của năm mới đã bùng nổ thêm một điểm nóng, u ám đã phủ bóng lên hy vọng một năm mới yên ổn hơn.

Việc Saudi Arabia hành quyết tập thể 47 người, trong đó có giáo sĩ dòng Shiite nổi tiếng Sheikh Nimr al-Nimr, đã dẫn tới một cuộc khẩu chiến của nước này với Iran, đỉnh điểm là hôm 3.1, Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.

Giới phân tích cho rằng, động thái này có thể châm ngòi cho sự bùng nổ xung đột giáo phái ở Trung Đông - khu vực vốn tiềm ẩn nhiều bất đồng.

Saudi Arabia cắt đứt quan hệ với Iran

Saudi Arabia tuyên bố điều này chỉ vài giờ sau khi người biểu tình Iran xông vào đốt phá Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran để phản đối việc hành quyết giáo sĩ Nimr.

Tại cuộc họp báo ngày 3.1, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Saudi Arabia - Adel al-Jubeir - yêu cầu tất cả các nhà ngoại giao Iran phải rời Riyadh trong vòng 48 giờ, Saudi Arabia cũng triệu hồi các nhà ngoại giao của họ từ Tehran trở về.

Ông al-Jubeir nói, Saudi Arabia sẽ không để Iran phá hoại an ninh đất nước, cáo buộc Iran “phân phát vũ khí và cài đặt các nhóm khủng bố trong khu vực...

Lịch sử Iran đầy những sự can thiệp tiêu cực và thù địch trong các vấn đề của người Arab, và nước này luôn đi cùng với sự hủy diệt”.

Ở Saudi Arabia, người theo dòng Hồi giáo Sunni chiếm tới 85% dân số, người theo dòng Hồi giáo Shiite chỉ chiếm từ 10 - 15% dân số. Còn ở Iran, người Shiite lại chiếm đa số.

Sự chia rẽ giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite bắt đầu khoảng giữa thế kỷ thứ VII, gần một thế kỷ sau khi Hồi giáo vừa hình thành, liên quan tới những bất đồng về người kế nhiệm Giáo chủ Muhammad.

Sự chia rẽ này lớn dần lên khi kết hợp với địa chính trị khu vực.

Tới ngày 4.1, nhóm quân nổi dậy Jaysh al Islam - một nhóm Hồi giáo Sunni thuộc phe đối lập Syria được Saudi Arabia hậu thuẫn - tuyên bố ủng hộ động thái của Saudi Arabia.

Jaysh al Islam cho rằng, việc Iran ủng hộ dân quân Shiite gây bất ổn ở Trung Đông và làm tăng thêm căng thẳng ở Syria.

Trong khi đó, một số quan chức cấp cao Mỹ tỏ ra tức giận vì cho rằng việc Saudi Arabia hành quyết nhiều giáo sĩ vừa rồi thiếu thủ tục pháp lý cần thiết, và có thể “đổ dầu vào lửa”.

Mỹ lên tiếng kêu gọi các bên giữ bình tĩnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực “tiến hành những bước đi quả quyết để làm dịu căng thẳng”.

“Chúng tôi tin rằng sự can dự ngoại giao và đối thoại trực tiếp vẫn cần thiết” - ông nói.

Trước đó, ngày 2.1, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết, ông “vô cùng thất vọng” vì vụ xử tử Sheikh Nimr và những người khác, sự việc này làm dấy lên lo ngại về bản chất và tính công bằng của quyết định hành quyết.

Liên minh Châu Âu cũng đưa ra câu hỏi tương tự về quyền tự do ngôn luận, các quyền dân sự và chính trị cơ bản.

Nguy cơ leo thang xung đột

Vụ hành quyết, tiếp đến là việc Saudi Arabia cắt đứt quan hệ với Iran, có thể sẽ biến cả Trung Đông thành lò lửa khi mỗi dòng, cả Hồi giáo Shiite và Hồi giáo Sunni, ủng hộ các phe phái đối lập trong các cuộc xung đột và chiến tranh.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, hôm 3.1, cảnh báo, Saudi Arabia sẽ đối mặt với “sự trả thù thần thánh” vì vụ xử tử - hành động khiến người Hồi giáo Shiite trong khu vực tức giận, đồng thời gọi giáo sĩ bị xử tử là “người tử vì đạo”.

Theo New York Times, Saudi Arabia có động thái này đúng vào thời điểm Mỹ và các nước khác hy vọng rằng, sự hợp tác, mặc dù là hạn chế giữa Saudi Arabia và Iran, vẫn có thể giúp chấm dứt chiến tranh ở Syria và Yemen, giảm xung đột ở Iraq, Bahrain, Lebanon và nhiều nơi khác ở Trung Đông.

Giới phân tích lo ngại sự việc có thể gia tăng chia rẽ bè phái và đầu tư cho chiến tranh ủy nhiệm.

Ông Michael Stephens - nhà phân tích tại Royal United Services Institute London (Anh) nhận định: “Đây là sự leo thang đáng lo ngại, sẽ gây hậu quả vô cùng lớn với người dân trong khu vực này.

Căng thẳng giữa hai bên lần này báo động sự bất ổn trên toàn khu vực sẽ kéo dài”.

Đồng quan điểm, Abbas Kadhim - chuyên gia chính sách ngoại giao tại ĐH Johns Hopkins - bình luận: “Hai cường quốc Trung Đông không tin nhau. Họ coi mỗi sự việc là cơ hội để làm gia tăng căng thẳng”.

Ông Kadhim lo ngại rằng, tuy Saudi Arabia và Iran đều sẽ tránh tấn công trực diện, nhưng sẽ đẩy mạnh đối đầu gián tiếp ở những nơi khác và khiến tình hình hỗn loạn hơn, gây bất lợi cho các cuộc đàm phán hoà bình quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến Syria.

Giới chức Mỹ cũng cho rằng, sự chia rẽ này trong quan hệ Saudi Arabia - Iran không “mang lại điềm lành” cho những nỗ lực kiến tạo hòa bình thế giới vốn cần sự thỏa hiệp.

Triển vọng hòa giải bất đồng giữa hai nước Saudi Arabia - Iran đã “chạm đáy”, Saudi Arabia và Iran từ lâu đã đối đầu, tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông.

Nhất là sau các cuộc chiến tranh Iraq và nổi dậy Mùa xuân Arab, Iran và Saudi Arabia cạnh tranh giành giật ảnh hưởng ở Trung Đông.

Iran cáo buộc Saudi Arabia ủng hộ khủng bố một phần vì Saudi Arabia hậu thuẫn các nhóm phiến quân Syria đang chiến đấu lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh của Iran.

Ngược lại, Saudi Arabia cáo buộc Iran ủng hộ nhóm Hezbollah ở Lebanon và các nhóm chiến binh Shiite khác trong khu vực.

Hôm 3.1, ở Bahrain, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, người biểu tình đã xuống đường phản đối việc xử tử giáo sĩ Nimr.

Gia đình Nimr cho biết, chính quyền Saudi Arabia thông báo rằng đã chôn cất giáo sĩ này tại một nghĩa trang giấu tên - việc này có thể khiến các cuộc phản đối sẽ còn tiếp tục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại