Chấp nhận sự thật: Iraq và Syria đã "mất"
Trong một diễn biến được nhiều người quan tâm, Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng cuối cùng của năm 2015 đã đi đến một thỏa thuận đồng nhất sẽ hợp tác nhằm đặt dấu chấm hết cho cuộc nội chiến đã kéo dài 5 năm tại Syria, cướp đi sinh mạng của 250.000 người.
Nhưng đạt được thỏa thuận là một chuyện, còn nếu nhìn kĩ vào các bên liên quan, sẽ thấy rất nhiều nghịch lý. Đơn cử là Nga lẫn Mỹ đều muốn chấm dứt nội chiến giữa Alawite/Shia cầm quyền và Sunni nổi dậy, nhưng cả hai ông lớn đều cương quyết không từ bỏ toan tính của riêng mình.
Washington, với sự trợ giúp của các nước đồng minh nơi người Sunni chiếm đa số là Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, muốn lật đổ Bashar al-Assad, "kẻ độc tài" mà họ cho là đã giết hại cũng như bỏ đói chính những người Syria đồng hương theo dòng Sunni.
Moscow, với sự trợ giúp của Iran và các lực lượng vũ trang Shia tại Iraq và Lebanon (Hezbollah), lại quyết giữ ghế cho Assad, và khẳng định chỉ có làm như vậy mới có thể đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Điệp khúc này đã lặp lại nhiều lần trong thời gian qua, và như để phức tạp hóa thêm vấn đề, các lực lượng nổi dậy cũng chẳng ai chịu ai, và kết quả là một mớ bòng bong tại Syria.
Vậy giải pháp mà Hội đồng Bảo an đưa ra để "gỡ rối" là gì? Họ đề xuất một lệnh ngừng bắn, một thỏa thuận chính trị giữa các bên giao tranh, một cuộc bầu cử dân chủ, một chính phủ không phân biệt giáo phái, và một bản hiến pháp mới, tất cả dự kiến được thực hiện trong năm 2016.
Nhưng thật khó hiểu, vì Hội đồng Bảo an muốn thực hiện tất cả những mục tiêu trên mà không đả động gì tới tương lai của Assad. Kế hoạch này sẽ khả thi nếu áp dụng để xây dựng một quốc gia từ đống đổ nát, nhưng vấn đề là Syria khi còn Assad thì vẫn chưa... nát hẳn để làm vậy.
Khi tương lai của Assad vẫn chưa được định đoạt, thì những nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ đề xuất chẳng có nghĩa lý gì. Ảnh: Reuters
Hãy tạm nói đến một diễn biến sáng sủa hơn. Tuần trước, thắng lợi mang tính chiến lược tại Ramadi không những giáng một đòn đau vào tham vọng bành trướng lãnh thổ của IS mà đối với quân đội Iraq, đây còn là một động lực tinh thần đáng kể.
Điều đáng nói là, khác với các mặt trận chống lại IS ở Tikrit hay Sinjar, lực lượng dân quân Shia do Iran hậu thuẫn không muốn tham chiến tại Ramadi do e ngại điều này sẽ khiến căng thẳng với người Sunni địa phương trở nên trầm trọng hơn.
Do đó, trận này công đầu thuộc về quân đội Iraq, đây là một dấu hiệu đáng để lạc quan.
Tuy nhiên, như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã từng nói: "Thành công đơn giản chỉ mua về cho bạn tấm vé dẫn tới một vấn đề khó hơn". Hôm nay Iraq có thể ăn mừng vì thắng lợi vẻ vang tại Ramadi, nhưng ngay hôm sau, bất ổn lại tái diễn, và mọi thứ lại rối như tơ vò.
Vấn đề bây giờ, theo nhà nghiên cứu chính trị Tom Switzer thuộc trường Đại học Sydney (Australia), là các bên liên quan phải chấp nhận một sự thật rằng: Iraq và Syria của ngày hôm nay đã không còn là Iraq và Syria như tất cả chúng ta đã từng biết đến.
Cụ thể, Iraq nay là hợp thể của 3 khối riêng biệt: người Kurd, người Sunni (thiểu số), và người Shia (đa số). Syria cũng gần tương tự, với người Kurd, người Sunni (đa số), và người Alawite/Shia (thiểu số).
Theo ông Switzer, những người nghiên cứu lịch sử hiện đại đều hiểu rõ điều này. Iraq và Syria đều là những quốc gia chỉ tồn tại dưới một thực thể trên danh nghĩa, còn thực chất cả hai là tập hợp những xã hội riêng biệt bị trộn lẫn vào nhau sau sự sụp đổ của Đế chế Ottoman một thế kỉ trước.
Cuộc xâm lược của Mỹ tại Iraq năm 2003, kết hợp với Mùa xuân Arab năm 2011, đã "tháo xích" mở đường cho những xung đột giáo phái không thể kiểm soát nổi, phá vỡ mọi hệ thống chính trị và biên giới, những thứ tưởng như đã giúp bình ổn được Trung Đông từ sau Thế chiến I.
Cách giải quyết? Vẽ lại bản đồ
Trong một bài viết đăng trên New York Times, John Bolton, cựu đại sứ Mỹ tại LHQ và hiện là chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu AEI có trụ sở tại Washington, đã đề xuất ý tưởng thiết lập nhà nước riêng cho người Kurd và người Sunni ở Iraq và Syria.
Bản đồ Trung Đông sẽ được vẽ lại với sự xuất hiện của một nhà nước "Sunni-stan"? Ảnh: Michael Mucci/smh.com.au
Về phía người Kurd, ông Bolton cho rằng họ đã trở thành một thế lực quá mạnh trong khu vực để Baghdad hay Damascus có thể tiếp tục "bắt nạt". Khó phe nào có thể ép buộc người Kurd trả lại phần lãnh thổ họ đang chiếm đóng cho Assad hay lực lượng dân quân Shia của Iraq.
Đương nhiên, việc thiết lập một nhà nước "Kurdistan" sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ, điển hình là căng thẳng biên giới với kình địch Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng ông Bolton cho rằng, với việc Ankara là thành viên của NATO, Mỹ và phương Tây có thể có những biện pháp kết hợp ngoại giao và gây áp lực để giảm căng thẳng, cũng như kêu gọi quốc tế công nhận sự độc lập của một nhà nước do người Kurd làm chủ.
Còn với "Sunni-stan", theo ông Bolton, nhà nước này sẽ đóng vai trò thay thế sự tàn bạo của những phần tử Sunni cực đoan trong hàng ngũ IS, để trở thành đối trọng với các chế độ Shia do Iran hậu thuẫn tại Damascus hay Baghdad.
Cựu đại sứ LHQ chỉ ra rằng, một sự thật rõ ràng là hiện nay rất nhiều người Sunni hoặc ủng hộ, hoặc làm ngơ với IS bởi họ coi Iran và các chính phủ do người Shia lãnh đạo là những mối đe dọa lớn hơn.
Vậy nên nếu như nói với những người Sunni ở Iraq và Syria rằng "phần thưởng" dành cho việc chống lại và tiêu diệt IS sẽ là đưa họ trở lại với "vòng tay" của Assad, hay của chính phủ Shia tại Iraq, thì chẳng thà họ cứ theo IS còn hơn.
IS luôn biết cách lợi dụng sự bất mãn của người Sunni tại Iraq và Syria để tuyển mộ.
Nhưng nếu "phần thưởng" là một nhà nước Sunni-stan dành riêng cho họ thì lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Tất nhiên, ông Bolton cũng "mở ngoặc" rằng việc thành lập một nhà nước Sunni-stan vận hành trơn tru không đơn giản như phân tích trên giấy tờ, và thậm chí Sunni-stan hoàn toàn có thể trở thành một phiên bản 2 của Iraq dưới thời Saddam Hussein.
Nhưng với Trung Đông, nơi sự tồn tại của các chế độ độc tài là điều gần như không thể tránh khỏi, thì một Sunni-stan xuất hiện sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn sức hấp dẫn của IS, và cho những người Sunni bất mãn một mái nhà không mang màu sắc khủng bố.
Một vấn đề khác cần cân nhắc là cách thức này của ông Bolton đi ngược lại hoàn toàn so với những gì liên minh Nga-Iran-Hezbollah mong muốn, khi sự xuất hiện của một nhà nước Sunni sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tham vọng mở rộng ảnh hưởng Shia của họ.
Nga muốn giữ ảnh hưởng lên Syria, cũng như bảo vệ căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Latakia của họ tại đây. Iran muốn lấy lại các vùng lãnh thổ do người Sunni chiếm đóng và trao cho Assad hoặc một lãnh đạo Shia/Alawite bất kì, để củng cố trục Shia ở Trung Đông.
Do đó, để Sunni-stan có thể tồn tại, Mỹ sẽ phải làm công tác ngoại giao cật lực với Nga và Iran. Washington nhiều khả năng cũng sẽ phải điều quân bộ tới Sunni-stan để ổn định tình hình trong giai đoạn đầu.
Theo ông Bolton, Mỹ có thể tái áp dụng mô hình Anbar Thức tỉnh năm 2006, khi họ kết hợp binh lực Mỹ và các nước Arab với lực lượng quân đội địa phương để tạo ra một bước đột phá như đã từng làm được trong cuộc chiến chống lại al-Qaeda.
Bên cạnh đó, các thế lực Sunni và đồng minh của Mỹ trong khu vực như Saudi Arabia hay Jordan sẽ nắm nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho Sunni-stan trong thời gian đầu thành lập, và cùng Washington đóng vai trò bảo vệ trước sự bùng phát của các tổ chức cực đoan.
Theo ông Bolton, phương án này tuy còn nhiều lỗ hổng và không ít những giả định, nhưng nhất định vẫn khả thi hơn rất nhiều so với những nghị quyết vô nghĩa dành cho các quốc gia chỉ còn tồn tại trên giấy tờ mà Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến sẽ áp dụng để "gỡ rối" Syria.