Sai lầm chết người của Đức mở đường cho Nga; Ukraine chịu thiệt

Đức Huy |

Theo phân tích của chuyên gia Dalibor Rohac đăng trên Financial Times, với những gì mình đang làm, Đức đã vô tình hậu thuẫn cho Nga cũng như làm hại các nước trong EU và Ukraine.

Ukraine, EU thiệt đơn thiệt kép

Ông Rohac nhận định, tuy Kiev vẫn phải cảm ơn Đức vì vai trò đầu tàu của nước này trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga về vấn đề Ukraine, nhưng mặt khác họ hoàn toàn có lý do để trách Berlin.

Vì mới đây, gã khổng lồ năng lượng E.ON của Đức đã kí kết một biên bản ghi nhớ với tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga, OMV của Áo, và Shell đến từ Anh-Hà Lan, trong đó các bên nhất trí sẽ kéo dài đường dẫn Dòng chảy phương Bắc.

Quá trình nâng cấp dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2020, khi đó lượng khí đốt vận chuyển từ Nga qua đường dẫn đến với EU sẽ tăng gấp đôi, lên mức 110 tỉ m3 mỗi năm.

Song song với Dòng chảy Thổ Nhĩ Kì, một dự án khác mà Gazprom đang xúc tiến, điều này sẽ khiến Nga trong tương lai không phải vận chuyển khí đốt qua Ukraine để đến được EU nữa, một tin không hề vui cho nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của Kiev.

Tuy nhiên, theo ông Rohac, mất đi khoản phí vận chuyển từ Nga, vốn đã giảm mạnh từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu, không phải là vấn đề lớn nhất đối với chính phủ Kiev.

Mấu chốt ở đây là nếu Gazprom không phải thông qua Ukraine, Nga đương nhiên sẽ ở vị trí "chiếu trên" hoàn toàn khi hai bên đàm phán về việc cung cấp khí đốt cho Ukraine, và thoải mái gây sức ép cho Kiev nếu cần. Đây là điều Ukraine rõ ràng không muốn một chút nào.

Ngoài ra, việc nâng cấp Dòng chảy phương Bắc cũng chẳng phải tin tốt lành gì đối với EU. Điều này, theo ông Rohac, sẽ càng gia tăng thêm sự lệ thuộc của các thành viên liên minh vào nguồn khí đốt của Nga, thay vì để các nước này đa dạng hóa nguồn khí đốt nhập khẩu.

Đường ống dẫn Dòng chảy Phương Bắc. Ảnh: DW
Đường ống dẫn Dòng chảy Phương Bắc. Ảnh: DW

Chính EU cũng bất ngờ trước diễn biến này. Tại diễn đàn an ninh Globsec tổ chức tại Bratislava (Slovakia) mới đây, Ủy viên phụ trách vấn đề khí đốt của EU, ông Maros Sefcovic, đã không giấu nổi sự bối rối khi được hỏi về thỏa thuận của E.ON và Gazprom.

Hiện nay, theo ông Rohac, điều quan trọng EU cần làm lúc này là mổ xẻ thật kĩ thỏa thuận trên, đặc biệt là các điều khoản về cạnh tranh, và phá vỡ nó nếu cần thiết - dù điều này sẽ đồng nghĩa với việc làm phật ý các ông trùm khí đốt.

Nga hưởng lợi

Kinh tế Nga phụ thuộc vào xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, tuy nhiên việc nước này đẩy mạnh xây dựng các đường dẫn khí đốt mới như hiện nay, theo ông Rohac, thực chất không hoàn toàn phục vụ mục đích kinh tế hay an ninh năng lượng.

Đối với điện Kremlin, mục đích chính đằng sau những động thái này là giúp Nga có thêm "quyền" trên bàn đàm phán với EU về các vấn đề Ukraine.

Nghiêm trọng hơn, đây còn là một nước cờ cao tay của Nga, khi nguồn khí đốt của nước này sẽ là tác nhân gây chia rẽ nội bộ các thành viên EU, từ đó giúp Moscow phát hiện ra những "điểm yếu" của liên minh, cụ thể là các nước quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Điều này sẽ giúp Nga có được lợi thế rất lớn trên bàn đàm phán sau này. Từ trước đến nay, việc sử dụng giá dầu như một con bài gây sức ép đã trở thành "sở trường" của Nga.

Gazprom từng cắt nguồn cung cấp khí đốt tới Ukraine hồi 2006, sau Cách mạng Cam, và một lần nữa vào năm 2009, một năm trước khi Viktor Yanukovych lên nắm quyền. Do đó, không có lý do gì mà Nga không sử dụng chiêu bài này một lần nữa nếu có cơ hội.

Về phần mình, theo ông Rohac, Ukraine về mặt lý thuyết hoàn toàn có thể "tự thân vận động" để tránh lệ thuộc vào khí đốt của Nga. Nhưng điều này nói thì dễ, còn để thực thi lại là một chuyện khác.

Chỉ biết rằng lúc này đây, cùng với EU, Ukraine đang bị Đức đặt vào thế bí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại