Tổng thống Nga Vladimir Putin có được cuộc gặp gỡ ông Obama hôm 28.9 ở Mỹ, chủ yếu là từ việc ông bất ngờ đưa xe tăng và chiến đấu cơ vào Syria.
Ngày 30.9, Nga lần đầu tiên tiến hành một hoạt động quân sự lớn bên ngoài biên giới Liên Xô tính từ sau Chiến tranh Lạnh, bằng các đợt không kích quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.
Hành động này sau khi ông Putin diễn thuyết ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) và kêu gọi một liên minh quốc tế chống IS.
Vì Nga dứt khoát bảo vệ đồng minh Assad, để duy trì chân đứng ở Trung Đông, các nhà phân tích cho rằng hoạt động quân sự của Nga ở Syria có thể buộc Mỹ phải từ bỏ mục tiêu buộc ông Assad phải từ bỏ quyền lực, ít nhất vào lúc này.
Về chuyện Tổng thống Mỹ Obama phải "sống chung" với ông Assad, cựu điều phối viên chính sách Trung Đông của ông Obama là Phil Gordon, viết trên tạp chí Politico:
Nhà Trắng cần tìm các cách để chấm dứt đổ máu ở Syria, đồng thời ngưng đòi ông Assad phải ra đi.
Gordon làm việc ở Nhà Trắng đến tháng 4.2015, nêu: “Điều cần là một tiến trình ngoại giao, đưa các bên vào bàn tròn và đồng ý một sự nhượng bộ để hạ nhiệt nội chiến, kể cả cách hủy chuyện thỏa thuận về vận mệnh ông Assad”.
Dù Mỹ khẳng định ông Assad đã mất tính hợp pháp để lãnh đạo Syria và phải ra đi, từ lâu các quan chức nói không thể có giải pháp nào để đạt được điều này với một cái giá có thể chấp nhận được.
Kết quả: nhiều tháng qua, Mỹ ngầm sống chung với việc ông Assad tiếp tục nắm quyền lực. Mỹ nói tập trung vào việc đánh bại IS, thay vì thúc ép ông Assad phải ra đi.
Mỹ từng đòi hỏi ông Assad phải ra đi, quy trách nhiệm cho ông thảm sát dân thường bằng vũ khí hóa học, trong cuộc nội chiến khiến 240.000 người chết, 10 triệu người phải “chạy giặc” trong 4 năm rưỡi qua.
Cuộc chiến này cũng dẫn đến sự trỗi dậy của IS, vốn giỏi tranh thủ khoảng trống quyền lực để kiểm soát nhiều vùng đất Syria và Iraq.
Các nhà phân tích nói: cách hay nhất là để sau này hãy bàn chuyện tương lai ông Assad.
Matthew Rojansky của tổ chức nghiên cứu Wilson Center (Mỹ) nói: “Nếu sự ra đi của ông Assad, cùng việc đánh thắng IS và tương lai hòa bình cho Syria là mục tiêu cuối cùng, thì đừng cố gắng đạt được tất cả trong giai đoạn 1. Có thể là ở giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 5”.
Rojansky, một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Nga, nói giai đoạn 1 có thể làm việc về một vấn đề mà Nga - Mỹ cùng nhất trí: đánh thắng IS, kể cả với việc tăng cường sức mạnh của chế độ Assad.
Paul Stronski thuộc tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace, nêu: nếu chế độ Assad thua IS, Nga sẽ mất căn cứ quân sự ở Syria, nhưng phương tây cũng chẳng được gì. Vì thế, Nga và phương tây nên cùng hợp tác làm việc ở đó.
Stronski cho rằng đưa quân bộ binh vào Syria sẽ “có những hậu quả chưa bao giờ thấy, dân Nga không muốn tổ quốc của họ liên quan một cuộc chiến bạo tàn khác ở thế giới Hồi giáo”, sau khi đã có những người lính Nga hy sinh ở Chechnya và Afghanistan.
Theo Raymond McGovern, một cựu quan chức CIA, xem ra Mỹ dần bỏ quan điểm cứng rắn buộc ông Assad phải ra đi:
“Đã có những dấu hiệu sơ bộ, rằng Nhà Trắng buộc phải công nhận tính phù phiếm của yêu sách ông Assad phải ra đi.
Những động thái gần đây của Nga có thể giúp tạo sự dễ dàng đạt được một giải pháp có thương lượng, nếu Mỹ từ bỏ đòi hỏi của họ, và đồng ý đàm phán với các nước quan tâm nghiêm túc việc chống IS trước khi quá muộn”.
Hiện Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tìm một giải pháp chính trị cho Syria, và tìm cách lập một “nhóm liên lạc” mới, sau nhiều thất bại ngoại giao.
Nếu có nhóm này, có thể sẽ gồm Anh, Pháp, Đức cùng nhiều nước ở Trung Đông như Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là khối nước ủng hộ quân nổi dậy đòi lật đổ chế độ Syria và chống IS.
Ngoại trưởng Adel Jubeir của Saudi Arabia nói với các nhà báo: ông kỳ vọng một sự ủng hộ quân sự lớn hơn, cho quân nổi dậy đánh quân Assad. Ông không nói nước ông sẽ làm gì, nhưng không chấp nhận ông Assad ở lại nắm quyền lực theo một thỏa thuận chính trị.
Các quan chức phương tây nói: đang có sự thăm dò một hướng khác: một nhóm giống như P5+1, tức nhóm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ, vốn từng đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran.