Địa vị của "quân sư" tiết lộ cách ông Tập thâu tóm quyền lực

Hải Võ |

Wall Street Journal (Mỹ) đánh giá, vị thế chính trị của Chánh văn phòng Trung ương Trung Quốc Lật Chiến Thư đã lên cao khi ông tháp tùng Tập Cận Bình trong chuyến công du Mỹ.

Vị thế gia tăng của Chánh văn phòng Trung ương Trung Quốc

Theo WSJ, Lật Chiến Thư đã trở thành "cánh tay phải" được ông Tập coi trọng nhất, thậm chí trong lĩnh vực ngoại giao, ông Lật có sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều quan chức chuyên sâu lĩnh vực này.

Hồi tháng 3 năm nay, nhân vật được Chủ tịch Trung Quốc cử sang Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin không phải là một quan chức ngoại giao mà là Lật Chiến Thư.

Trong bữa tiệc chào mừng ông Tập tổ chức tại khách sạn Westin, thành phố Seattle, Mỹ tối 22/9, Chánh văn phòng Trung ương chỉ ngồi cách ông Tập Cận Bình 4 ghế, bên cạnh tỷ phú sáng lập tập đoàn Microsoft Bill Gates.

Tại cuộc gặp gỡ các "ông lớn" trong giới kinh doanh, công nghệ Mỹ hôm thứ Tư (23/9), Lật Chiến Thư ngồi bên cạnh ông Tập.


Tổng thống Nga Putin hội đàm với Lật Chiến Thư (ngồi đối diện) hồi tháng 3/2015. Ảnh: Kremlin.

Tổng thống Nga Putin hội đàm với Lật Chiến Thư (ngồi đối diện) hồi tháng 3/2015. Ảnh: Kremlin.

Lật Chiến Thư giữ chức Chánh văn phòng Trung ương Trung Quốc kể từ tháng 9/2012, sau khi người tiền nhiệm của ông này là Lệnh Kế Hoạch được điều chuyển làm Bộ trưởng Chiến tuyến thống nhất.

Ông Lật và Chủ tịch Trung Quốc quen biết nhau từ thập niên 1980, khi Tập Cận Bình làm Bí thư huyện ủy Chính Định, còn Lật Chiến Thư là Bí thư huyện ủy Vô Cực, cùng thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Lật Chiến Thư hiện cũng là một trong 25 Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc. Vai trò này cho phép ông đóng vai trò rõ ràng hơn trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Ông cũng dùng thân phận này khi công du Nga và hội đàm với ông Putin.

WSJ cho hay, trong văn kiện của Điện Kremlin, ông Lật đã nói với Tổng thống Nga: "Có thể ngài đã biết, thưa Tổng thống, Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc trước đây chưa từng có tiền lệ tiếp xúc với văn phòng hành chính của Tổng thống nước ngoài."

Tờ báo Mỹ cũng bày tỏ nghi ngờ trước chức vụ mà Lật Chiến Thư nắm giữ khi tháp tùng ông Tập thăm Mỹ, mặc dù việc Chánh văn phòng Trung ương Trung Quốc tháp tùng lãnh đạo công du không phải chuyện hiếm trong quá khứ.

Cơ chế lãnh đạo mới của Tập Cận Bình

WSJ phân tích, việc Lật Chiến Thư ngày càng tham gia sâu vào các sự vụ "không liên quan đến chức trách của Văn phòng Trung ương Trung Quốc" cho thấy Tập Cận Bình đang từng bước thay đổi mô hình "tập thể phụ trách lãnh đạo".

Theo đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc đang có xu hướng chuyển sang một chế độ lãnh đạo mà quyền lực tập trung hơn về Trung ương, với đội ngũ "cốt lõi" là một nhóm nhỏ gồm chính ông Tập cùng số ít các quan chức, cố vấn thân tín.

Giới phân tích cho rằng, sự chuyển đổi cơ chế lãnh đạo này có thể làm gia tăng khả năng "hiểu lầm" của các chính phủ nước ngoài đối với Bắc Kinh, thậm chí cảm thấy bất ngờ trước hành động của Trung Quốc.


Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Vương Hỗ Ninh và Lật Chiến Thư (thứ 3, 4 từ phải) là những cố vấn thân cận hiện nay của Tập Cận Bình. Ảnh: The New York Times

Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Vương Hỗ Ninh và Lật Chiến Thư (thứ 3, 4 từ phải) là những cố vấn thân cận hiện nay của Tập Cận Bình. Ảnh: The New York Times

WSJ so sánh, trong đội ngũ "cốt lõi" mà ông Tập xây dựng, vai trò của ông Lật tương đương với Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough.

Giới quan sát nhận định, ông Tập xây dựng kết cấu lãnh đạo mới nhằm "đi vòng qua" chế độ quan liêu phức tạp nhiều tầng, nhiều lớp của Trung Quốc hiện nay. Do đó, vai trò của không ít nhà ngoại giao kỳ cựu của nước này trở nên mờ nhạt.

WSJ cho biết, trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào tháng 11/2012, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ giai đoạn 2010-2013 Tom Donilon duy trì quan hệ mật thiết với nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Đới Bình Quốc.

Tuy nhiên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ hiện này là bà Susan Rice không xây dựng được mối liên kết đó với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc phụ trách ngoại giao Dương Khiết Trì.

Cố vấn kinh tế của Tập Cận Bình thường xuyên gặp gỡ các quan chức nước ngoài, nhưng chính phủ ngoại quốc hoặc giới doanh nghiệp rất khó có thể tiếp xúc các cố vấn về chính trị và an ninh quốc gia của ông.

Nhà sử học Trung Quốc
Chương Lập Phàm
Tập Cận Bình thích dùng những người quen thuộc, bao gồm đồng nghiệp, cấp dưới hoặc bạn học cũ. Chức trách trước đây của Văn phòng Trung ương chủ yếu là duy trì cân bằng giữa các ban ngành, bộ phận, nhưng ngày nay cơ quan này chỉ chú trọng lãnh đạo tối cao. Văn phòng Trung ương đã trở thành đại diện của lãnh đạo Trung Quốc. Lật Chiến Thư đi Moscow hồi tháng 3 được xem như 'đặc sứ cá nhân' của ông Tập, đây là điều chưa có tiền lệ.

Cựu chuyên viên phân tích của CIA Christopher Johnson bình luận: "Giới lãnh đạo Trung Quốc đang nắm giữ vai trò chủ động hơn trong việc tham gia hoạch định chính sách, bất kể lớn nhỏ.

Điều này khiến nhiều cơ quan chính phủ nước này thậm chí còn không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Họ (Trung Quốc) khiến nhiều việc trở nên kém minh bạch hơn. Tôi nghĩ rằng họ cố ý làm vậy."

Chuyên gia về Trung Quốc David Lampton gần đây cũng đánh giá, quá trình hoạch định chính sách ngoại giao của Bắc Kinh "xuất hiện mức độ hỗn loạn khá rõ rệt".

Theo ông Lampton, nguyên nhân của hiện tượng này do Trung Quốc đã thành lập Ủy ban an ninh quốc gia, đồng thời các quan chức thân cận với ông Tập được trao nhiều quyền lực hơn.

WSJ dự đoán, ông Lật Chiến Thư thậm chí có cơ hội lọt vào nhóm 7 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc vào năm 2017.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại