Quan hệ Trung - Triều: Môi hở nên răng lạnh?

Từng được mô tả là ‘khăng khít hơn môi với răng’, quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên hiện tại đang được cho là ở mức tồi tệ nhất trong suốt nhiều thập kỷ qua.

‘Điểm bùng phát nguy hiểm’ 

“Quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ” – tờ Business Insider dẫn nguồn từ bản dự thảo báo cáo Ủy ban Xem xét An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung của Mỹ.

“Điều này chủ yếu là do Trung Quốc thất vọng với cách hành xử gây bất ổn của Triều Tiên kể từ cuối năm 2012, trong đó có việc thử hạt nhân và các vụ thử tên lửa với tần số cao”.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nói Bắc Kinh coi Mỹ vẫn là mối đe dọa chính ở Đông Bắc Á, với kết luận rằng chính quyền Kim Jong-un ‘có khả năng trở thành một trong những điểm bùng cháy nguy hiểm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung’.

Triều Tiên muốn xích lại gần Mỹ để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc "Triều Tiên muốn xích lại gần Mỹ để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc"

Gary Samore, nguyên điều phối viên Nhà Trắng về vấn đề kiểm soát vũ trang và vũ khí hủy diệt hàng loạt, cho rằng Triều Tiên đang muốn "lấy lòng" Mỹ để nối lại đàm phán.

Theo báo cáo này, Triều Tiên cảm thấy không hài lòng vì phải phụ thuộc vào Trung Quốc, và coi Trung Quốc như thể ‘bề trên và phải hạ mình’.

“Về phần mình, Bắc Kinh bực tức với việc Bình Nhưỡng liên tục gây rối, điều mà họ sợ sẽ gây bất ổn và dấy lên nguy cơ xung đột trong khu vực; đẩy Hàn Quốc và Mỹ củng cố quan hệ đồng minh, và các tiềm lực quân sự - đây cùng lúc là mối đe dọa với Trung Quốc; và khiến cộng đồng quốc tế chỉ trích vai trò của Trung Quốc với tư cách là đồng minh của Triều Tiên” – báo cáo cho biết thêm.

Mặt khác, báo cáo cũng kết luận là dù quan hệ xấu đi, Trung Quốc vẫn tiếp tục hậu thuẫn cho đồng minh, và lo ngại sức mạnh quân sự Mỹ tại Hàn Quốc.

Việc liên lạc ở cấp cao giữa hai nước cũng trở nên hạn chế hơn trong những năm gần đây.

Theo báo cáo này thì sau khi tiến hành một loạt hành động gây bất ổn những năm qua, vài tháng trở lại đây, hoạt động ngoại giao của Triều Tiên lại thay đổi rất lớn, với những nỗ lực tích cực để cải thiện quan hệ quốc tế.

Một nguồn tin ngoại giao thân thuộc với báo cáo tình báo cho biết, Triều Tiên có vẻ như đang nghiêng các chính sách theo hướng tìm sự ủng hộ của Nga nhiều hơn, sau khi quan hệ với Trung Quốc xuống dốc.

Việc Bình Nhưỡng tăng cường hợp tác với Nga và các quốc gia khác được cho là sự bày tỏ không hài lòng với Bắc Kinh.

“Xu hướng đi lên trong quan hệ Nga – Triều phản ánh sự khéo léo mà Bình Nhưỡng thể hiện suốt nhiều thập kỷ khi chơi với hai người đỡ đầu chính, là Trung Quốc và Nga, chọn người này để đẩy người kia nhằm khai thác lợi ích về chính trị và kinh tế và xoa dịu tác động của cô lập quốc tế” – báo cáo nhận định.

Triều Tiên đánh đu giữa Nga và Trung Quốc Triều Tiên "đánh đu" giữa Nga và Trung Quốc

Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên vừa có dấu hiệu cải thiện thì Bình Nhưỡng cũng đạt được thỏa thuận với Nga thanh toán liên ngân hàng bằng đồng rúp.

‘Vùng đệm’ bất di bất dịch 

Mặc dù Trung Quốc khó chịu với chế độ của Kim Jong-un, nhưng vẫn tiếp tục hậu thuẫn cho chính quyền này vì muốn duy trì ổn định ở ‘vùng đệm’ giữa Bắc Kinh với Hàn Quốc và Mỹ.

Báo cáo của ủy ban cho rằng Trung Quốc ngày càng coi các hoạt động của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên đi ngược lại lợi ích của họ, vì coi đây là cớ để Mỹ duy trì và tăng cường hiện diện cũng như tiềm lực quân sự tại bán đảo, tiến hành chính sách kiềm chế Trung Quốc.

Vây nên, Trung Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ dầu, lương thực và các mặt hàng quân sự cho đồng minh vốn được coi là ‘khăng khít hơn môi với răng’.

Tuy nhiên, cựu chuyên gia về Trung Quốc tại Bộ Ngoại giao Mỹ là John Tkacik cho rằng dự thảo báo cáo này đã hiểu sai về mối căng thẳng hiện tại giữa Trung Quốc và Triều Tiên.

Ông Tkacid cho rằng bất đồng giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thể hiện rõ hơn trong các cuộc thanh trừng chính trị tại Trung Quốc, chẳng hạn như việc loại bỏ ông Chu Vĩnh Khang và lãnh đạo quân đội Từ Tài Hậu. Hai người này đều thân Triều Tiên.

Còn Triều Tiên lại hành quyết ông Jang Song Thaek – nhân vật quyền lực thứ hai đất nước, cũng là cầu nối trong quan hệ với Trung Quốc. Việc này đã làm hạ thấp dần quan hệ đôi bên.

“Tỏ ra bình thản với việc thanh trừng ông Jang, nhưng Bắc Kinh lại xử ông Chu và tướng Từ trong năm nay – vì những lý do không hề liên quan tới Triều Tiên, việc này chắc chắn sẽ khiến Bộ Chính trị của họ có chút khó chịu” – ông Tkacik nói.

Dù cho nhiều sự không bằng mặt, nhưng thực tế là thương mại song phương Trung – Triều vẫn tăng đều.

“Bản dự thảo cho thấy Trung Quốc đã chống đỡ cho toàn bộ nền kinh tế Triều Tiên suốt 20 năm qua, và mọi bằng chứng hiện nay đều cho thấy họ vẫn tiếp tục làm vậy” – ông Tkacik nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại