Trong khi một số nhà phân tích cho rằng sẽ có ít kết quả cụ thể từ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế hàng năm Mỹ-Trung Quốc, thì các cuộc đàm phán trong 2 ngày, chính thức bắt đầu từ thứ 3 (23.6) ở Washington, lại được xem như là một diễn đàn quan trọng để điều chỉnh các mối quan hệ giữa hai cường quốc toàn cầu.
"Chúng tôi thảo luận, làm việc xuyên suốt những khác biệt của hai bên. Chúng tôi tìm kiếm cách giải quyết các vấn đề và để quản lý những vấn đề mà dường như chúng tôi không thể giải quyết", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, ông Daniel Russell cho biết.
Ông Russel nói thêm: "Chúng tôi sẽ không che giấu những khác biệt. Chúng tôi sẽ không làm ngơ trước các vấn đề. Chúng tôi sẽ thảo luận và tìm cách giải quyết chúng một cách trực tiếp".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ diện kiến Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương tại một bữa ăn tối riêng vào ngày mai (22.6), trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào thứ ba (23.6).
Hình ảnh cho thấy Trung Quốc cải tạo phi pháp tại Đá Vành Khăn, trên quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Báo chí nhà nước Trung Quốc tỏ ra lạc quan về vòng đàm phán thứ bảy hàng năm diễn ra trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới.
"Sau những tháng xung đột ngoại giao về vấn đề Biển Đông, quan hệ Mỹ-Trung dường như hướng đến giai đoạn bình tĩnh hơn chuẩn bị cho những sự kiện quan trọng giữa hai nước", tờ China Daily nhận định.
Tờ báo này dẫn lời ông Wang Yiwei, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, cho hay: "Washington hiểu những hậu quả của cuộc đối đầu Mỹ-Trung và xung đột không phải nằm trong chương trình nghị sự".
Tuy nhiên ông Wang cho rằng, Mỹ vẫn phải chỉ trích Trung Quốc vì vấn đề Biển Đông để chứng tỏ sức mạnh và đảm bảo cam kết của mình với các đồng minh Châu Á.
Quan hệ Mỹ-Trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bất đồng về những căng thẳng ở Biển Đông thời gian gần đây.
Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác ở Châu Á chỉ trích Trung Quốc có những hành động vi phạm luật pháp quốc tế khi tự ý cải tạo các đảo ở Biển Đông và lo sợ Bắc Kinh sẽ quân sự hóa tại các khu vực mới xây dựng.
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn ngang nhiên khẳng định việc cải tạo diễn ra trong phạm vi lãnh thổ và chủ quyền của nước này và ngày càng tỏ ra hung hăng hơn trên biển.