Quân đội EU và tham vọng sắp lại bàn cờ thế giới

Lê Thu |

Đề xuất thành lập quân đội của Liên minh châu Âu (EU) là hệ quả tất yếu của nhiều diễn biến và thực tế địa chính trị trên thế giới thời gian qua.

Trong bối cảnh Mỹ-châu Âu bất đồng nghiêm trọng về các vấn đề chính trị và quân sự, Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker nêu ra hai lý do chính cho việc thành lập quân đội riêng của châu Âu.

Thứ nhất, EU sẽ chuyển ‘thông điệp rõ ràng tới Nga rằng, EU nghiêm túc về việc bảo vệ các giá trị châu Âu’. Thứ hai, EU cần khôi phục lại vị thế của mình trên khắp thế giới.

Với một đội quân của 28 nước thành viên, một mặt EU sẽ hiện thực hóa được giấc mơ xóa nhòa biên giới các quốc gia trong khối, đảm bảo không có chiến tranh giữa các thành viên; mặt khác có thể gửi các tín hiệu quan trọng về sự hiện diện của đội quân có tiềm lực nhất thế giới.

Khi đó, bàn cờ thế giới sẽ được sắp lại.

Sát thời điểm đề xuất này được đưa ra, một tờ báo Đức đăng bài thậm dài ‘tố’ Tướng Philip Breedlove, chỉ huy Mỹ tại NATO.

Tờ Tấm Gương liệt kê tỉ mỉ và chi tiết những phát ngôn và đánh giá có những sai lệch của ông Breedlove trong cuộc khủng hoảng Ukraine và những toan tính của Washington khiến Berlin lo ngại sẽ gây hủy hoại tới uy tín của châu Âu.

Động thái này của Tấm Gương rõ ràng đã giáng một đòn nặng nề vào uy tín của quan chức Mỹ đứng đầu NATO. Đây cũng được coi là một cú đánh thẳng vào vai trò của NATO trong tư cách là người chịu trách nhiệm chính cho an ninh của EU.

Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có sự tham gia của 22 quốc gia thành viên EU. Sự hiện diện của một đội quân nữa cũng của EU (với đầy đủ 28 thành viên) sẽ đặt lại câu hỏi tới sự tồn tại của khối hiệp ước.

Dù cái cớ cho việc thành lập quân đội EU là Moscow, nhưng Washington sẽ là người khó chịu nhất trước ‘thông điệp rõ ràng’ này. Vì ý đồ thật sự của châu Âu là muốn nói với Washinton rằng, họ quá ngán NATO và muốn có sự thay đổi.

75% ngân sách của NATO được lấy từ túi tiền của Mỹ nên NATO luôn nằm dưới sự điều khiển của Washington. Đây là lý do tại sao liên minh này ít quan tâm tới việc gìn giữ hòa bình và an ninh ở châu Âu mà chú trọng tới các lợi ích của Mỹ nhiều hơn.

Câu chuyện ở Ukraine cũng như hàng loạt bất đồng đã xé toang bức màn ‘đồng sàng dị mộng’ giữa các đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Bất ổn tại Ukraine đã khiến châu Âu chịu trận nặng nề, do quan hệ với Nga xấu đi trầm trọng, trong khi Mỹ không hề hấn gì nhiều. Châu Âu muốn hòa bình tại Ukraine bằng con đường ngoại giao vì sợ lục địa già lại biến thành đại chiến trường một lần nữa.

Dưới sức ép của nhóm ‘siêu diều hâu’, Tổng thống Mỹ Barack Obama dồn dập nói về kế hoạch gửi vũ khí tới Ukraine. Lãnh đạo Pháp và Đức vội vàng bay tới Moscow để làm việc riêng với Kremlin.

Washington muốn dùng vũ khí để đàm phán hòa bình tại Ukraine, còn Thủ tướng Đức Angela Merkel lại khẳng định rằng, ý tưởng đó chỉ phản tác dụng.

Và lệnh ngừng bắn đạt được sau cuộc ‘marathon chính trị’ kéo dài 17 tiếng tại Minsk giữa Đức, Pháp, Nga, Ukraine là câu trả lời mà bà Merkel dành cho ông Obama.

Việc Mỹ không có vai trò gì trong bàn đàm phán tại Minsk cho thấy một điều rằng trong quan điểm của châu Âu, những ngày Washington thống trị các vấn đề địa chính trị ở châu Âu chẳng còn bao lâu nữa.

“Những người bảo thủ (ở châu Âu) không thích toàn bộ ý tưởng về sự thống trị của Mỹ ở châu Âu” – ông Lode Vanoost, cựu Phó phát ngôn viên của Quốc hội Bỉ, cho biết.

Nghị sĩ Đức Alexander Neu nhận định rằng EU cần có quân đội để nới lỏng sự kìm kẹp của NATO ở châu Âu.

“NATO là công cụ của Mỹ để gây ảnh hưởng ở Đức và EU. Đây là công cụ cho phép Mỹ thực thi các nghị trình ở châu Âu. Một quân đội EU thống nhất sẽ thách thức các vị thế thống trị của Mỹ tại NATO” – ông Neu nói.

Ngoài ra, việc thành lập một đội quân của riêng mình còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của EU.

Một mặt, EU sẽ tiết kiệm được vô khối tiền bạc từ việc mua các loại vũ khí mà họ cùng phát triển, cùng lúc có thể đầu tư và sinh lợi cho thị trường đầy hấp dẫn của chính mình.

Theo đề xuất, đội quân này có thể sẽ chủ yếu dựa trên cơ sở của quân đội Đức, Pháp, Hà Lan và Bỉ. Trong khi Anh là quốc gia phản đối kịch liệt thì Đức lại có nhiều lý do để hoan nghênh nhiệt liệt ý tưởng này.

Berlin sẽ tăng ngân sách cho quốc phòng trong năm nay lên 74 tỷ Euro, gấp đôi con số 37 tỷ Euro hàng năm. Tờ Bundestag cho biết, khoảng 50% thiết bị trong ngành công nghiệp này của Đức không vận hành, vì không có lệnh.

Tuy vậy, tiền bạc cũng là yếu tố chính khiến ý tưởng này khó khả thi. Hiện tại, chỉ có 2 quốc gia thành viên NATO (trong số 22 thành viên, trừ Mỹ và Anh) đóng góp vào ngân sách của khối theo mức yêu cầu là 2% GDP.

Châu Âu vẫn đang chật vật trong cơn khủng hoảng tài chính và đa phần các quốc gia không muốn phải gánh thêm trên vai một đội quân nữa.

Do vậy, vào lúc này, toàn bộ câu chuyện về quân đội của EU vẫn là viễn cảnh xa của tương lai rất xa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại