Mỹ chưa sẵn sàng
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peshkov tuyên bố: “Tổng thống Putin luôn cởi mở để đối thoại, đặc biệt là với Tổng thống Obama. Khả năng này đã xuất hiện và Nga vẫn duy trì nó”.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cũng vạch ra các điều kiện để ông Obama gọi điện cho người đồng cấp Nga.
“Khi chúng tôi, đặc biệt là Tổng thống Obama cho rằng cuộc nói chuyện với Tổng thống Putin phù hợp với các lợi ích của Mỹ thì ông ấy sẽ nhấc máy và thiết lập cuộc gặp”.
Trong một bài phân tích mới đây trên tạp chí Chuyên gia (Nga), nhà nghiên cứu Gevorg Mirzayan cho rằng, căn cứ vào các lời nói trên thì đáng ra ông Obama đã phải gọi điện cho ông Putin.
Ông Gevorg Mirzayan là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Canada và Mỹ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
"Việc bình thường hóa quan hệ với Nga sẽ phù hợp với các lợi ích của Mỹ, trong bối cảnh xung đột giữa các quốc gia đã đi khá xa và thế giới đang tồn tại nhiều vấn đề cần đến nỗ lực chung của Nga và Mỹ để giải quyết".
Tuy nhiên, theo ông này, điều đó khó có thể diễn ra.
Nhà phân tích người Nga nhận định, Gruzia, Syria và Ukraine không phải là tất cả vấn đề xung quanh bất đồng trong quan hệ Nga - Mỹ.
"Vấn đề chính là ở chỗ cả 2 nước đều chưa sẵn sàng tiến hành đối thoại, cũng như thiếu tin tưởng lẫn nhau. Cho tới nay, cả hai bên vẫn chưa tìm được giải pháp giải quyết các vấn đề còn tồn tại".
Nga thiếu tin tưởng
Các chính trị gia Mỹ hiểu rằng thời đại thống trị của Washington đã qua. Các chính sách về chi tiêu tài chính, chính trị, quân sự không hiệu quả từ thời Chiến tranh Lạnh những năm 1990 khiến Mỹ không đủ khả năng để một mình đảm nhiệm vai trò cảnh sát quốc tế.
Chuyên gia người Nga cho rằng, Mỹ đã phải hứng chịu một loạt các thất bại trong chính sách đối ngoại, từ Iraq tới Syria. Còn tại Ukraine, một số nhà phân tích chính trị cho rằng việc từ chối ủng hộ quân sự cho chính quyền Kiev là một thất bại về hình ảnh của Washington.
Thêm vào đó, hiện vẫn còn một loạt vấn đề mà Mỹ cần phải giải quyết như mâu thuẫn Iran-Ả Rập Xê-Út, diễn biến ở Triều Tiên, ổn định tình hình Libya.
Theo ông này, một số vấn đề trên hoàn toàn có thể giải quyết được với sự hợp tác của Nga.
Tuy nhiên, "điều này cần Mỹ không chỉ suy nghĩ một cách có chiến lược, mà cần bắt đầu coi Nga là đối tác đàm phán chứ không phải đối tác để Mỹ áp đặt các điều kiện của mình". Trong khi đó, Mỹ lại chưa sẵn sàng.
Về phía mình, nhiều nhà khoa học chính trị người Nga cho rằng, các bên không phải không có gì để thỏa thuận mà là chưa có ý định gặp mặt nhau để thỏa thuận.
Lý do là bởi sẽ không thể tiến hành các cuộc đối thoại nghiêm túc với đối tác mà mình không tin tưởng. Trong khi đó, trong vòng 25 năm qua, Mỹ đã nhiều lần làm tất cả mọi thứ để Nga không tin tưởng mình.
Ông Mirzayan nhận định, hiện bất cứ thỏa thuận dài hạn nào của Nga với Mỹ đều hàm chứa những rủi ro về tính bền vững. Không có bất cứ đảm bảo nào rằng Mỹ (sau khi thay Tổng thống) sẽ thực hiện các thỏa thuận này.
Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng xung đột đã trở thành thực trạng bình thường trong mối quan hệ Nga-Mỹ.
Về mặt nào đó, theo học giả người Nga, nhận định của các chuyên gia này là đúng, tuy nhiên, xung đột này cần phải được làm dịu đi, không có thêm căng thẳng, phải được kiểm soát. Hai bên cũng cần phải hiểu rằng có các ranh giới đỏ không thể bước qua.
Giờ đây, xung đột này đang có nguy cơ vượt tầm kiểm soát và gia tăng liên tục theo đường xoắn ốc. Do đó, cuộc gặp Putin-Obama là rất cần thiết.
Ông Mirzayan thẳng thắn nêu quan điểm: "Hai bên sẽ khó có thể đạt được bất cứ thỏa thuận đột phá nào, và còn khó hơn nữa để tái khởi động điều gì đó.
Dù vậy, họ có thể vạch ra những ranh giới đỏ và thỏa thuận sẽ tuân thủ nghiêm chúng".
"Nếu như hai bên nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được, họ sẽ tạo nên những mầm mống của sự tin tưởng mà sau một khoảng thời gian, nó sẽ cho phép Moscow và Washington phối hợp giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu hiện nay như những đối tác của nhau".