Nhìn vào cái cách mà nước này phản ứng sau vụ việc Su-24 bị bắn hạ, có thể thấy các nhà lãnh đạo Nga đã bị bất ngờ trước quyết định của phía Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow đã lập tức cáo buộc Ankara hậu thuẫn khủng bố để trục lợi từ những đường dây buôn bán dầu khí mờ ám.
Nhưng lời giải thích đơn giản hơn, theo Bloomberg, là nếu Nga bị đặt vào vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ, điện Kremlin cũng sẽ làm tương tự.
"Hãy thử tưởng tượng viễn cảnh này: Liệu Tổng thống Vladimir Putin sẽ làm gì nếu một cuộc nội chiến bùng phát ở một quốc gia láng giềng, nơi đã từng là một phần của đế chế Nga trong nhiều thế kỉ nhưng vì hoàn cảnh nhất định mà phải tách ra?
Liệu ông sẽ làm gì nếu trong cuộc nội chiến giả định ấy, phe nổi dậy là những người gốc Nga đang đứng trước nguy cơ bị quân đội nhà nước đàn áp?" - Bloomberg viết.
Cái gọi là "tình huống giả định" này đang thử đặt Nga vào vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng có thể thấy nó có rất nhiều điểm tương đồng với miền đông Ukraine.
Syria từng là lãnh thổ chịu sự kiểm soát của Ottoman từ năm 1516 cho đến khi đế chế này sụp đổ sau Thế chiến I. Trong khi đó, đế quốc Nga chiếm được khu vực Donbass từ giữa thế kỉ 18.
Theo Bloomberg, phía Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng đã bắn hạ Su-24 để trả thù cho những phần tử nổi dậy Turkmen, một trong những nhóm chống lại Assad đang bị Nga không kích. Nhóm người này tuy có gốc Thổ nhưng bị "đẩy" sang sống tại Syria sau hiệp ước năm 1921 với Pháp.
Giống như Nga luôn muốn giữ ảnh hưởng của mình tại Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có tâm lý rằng họ có một cái quyền đặc biệt, hay thậm chí trách nhiệm, phải quan tâm tới nội tình "đất cũ" của mình.
Khi các cuộc biểu tình đòi dân chủ xuất hiện tại Syria năm 2011, Tổng thống Recip Erdogan đã nói rằng đối với Ankara, bất ổn tại Syria khi đó cũng như một vấn đề nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Erdogan sau đó đã cảm thấy bị xúc phạm khi Assad không nghe theo lời khuyên của mình.
Sau khi bắn hạ chiếc Su-24 của Nga, phía Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định họ không có ý định khiến căng thẳng leo thang, mà đơn thuần chỉ muốn "bảo vệ an ninh quốc gia và quyền lợi của những người anh em".
"Những người anh em" ở đây, tùy theo cách dịch, có thể hiểu là người dân Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nhiều khả năng nó ám chỉ lực lượng nổi dậy người gốc Thổ ở Syria, và đây có thể coi như một lời thừa nhận của Ankara rằng họ bắn rơi máy bay Nga vì "những đứa con bị bỏ rơi" này.
Còn cái chuyện vi phạm không phận 17 giây (hay ít hơn), theo Bloomberg, chỉ là cái cớ.
Nhìn từ quan điểm Thổ Nhĩ Kỳ
Để hiểu hơn tình hình Syria hiện tại theo quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, hãy thử nghĩ xem ông Putin sẽ phản ứng ra sao nếu Mỹ hay NATO quyết định can thiệp quân sự tại miền đông Ukraine, đặt căn cứ không quân và mang tổ hợp tên lửa Patriot đặt cách biên giới Nga 100 km.
Hãy nghĩ đến viễn cảnh máy bay NATO hỗ trợ hỏa lực cho chiến dịch tổng lực trên bộ của quân Kiev đánh vào phe ly khai miền đông, lực lượng mà phương Tây cáo buộc Nga đang hậu thuẫn, với sự trợ giúp của Ba Lan và Chechnya (tương đương Iran và Hezbollah tại Syria).
Hãy nghĩ đến viễn cảnh máy bay Mỹ và NATO "bay lạc" sang không phận Nga trong các chiến dịch không kích của mình.
Khi đó, theo Bloomberg, chắc chắn ông Putin sẽ chẳng đợi đến 3 tháng mới bắn rơi một chiếc máy bay của NATO xâm phạm không phận nước mình.
Chắc chắn ông Putin cũng sẽ bỏ ngoài tai những lời giải thích rằng phi công NATO "không hề đe dọa" tới an ninh quốc gia Nga, những lời giải thích mà chính ông đã dùng để lên án hành động "đâm sau lưng" của phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Đương nhiên, bối cảnh địa chính trị tại Syria và Ukraine hiện tại cũng như trong quá khứ cũng có rất nhiều điểm khác biệt. Nhưng theo Bloomberg, điểm mấu chốt về sự tương đồng không phải giao tranh tại hai quốc gia này, mà chính là tâm lý của hai đế chế láng giềng bên cạnh họ.
Cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều sử dụng vỏ bọc quan tâm tới người gốc Nga/Thổ để theo đuổi những mục đích chính trị của riêng mình tại Ukraine và Syria.
Với Erdogan, đó là ý đồ muốn cho Nga và phương Tây hiểu rằng, không một giải pháp nào tại Syria có thể được thống nhất mà trong đó bỏ qua những lợi ích cá nhân của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Erdogan muốn phương Tây hiểu rằng, không một giải pháp nào tại Syria có thể được thống nhất mà trong đó bỏ qua những lợi ích cá nhân của Thổ Nhĩ Kỳ"
Nói cách khác, Ankara sẽ không đời nào cho phép thành lập một liên minh với Assad để chống lại người Sunni, dù đó là người gốc Thổ hay Arab.
Theo Bloomberg, nước đi khôn ngoan nhất với Nga lúc này là thừa nhận mình đã đánh giá sai sự nhạy cảm của Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Syria, và tìm những biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Tuy nhiên, Bloomberg cũng cho rằng, nhiều khả năng Nga sẽ không làm như vậy. Moscow hiểu rằng chính Erdogan cũng đã tính toán sai lệch, bàn cờ của ông tại Syria rõ ràng không thể "đẹp" bằng bàn cờ của Putin tại Ukraine.
Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ không phải một cường quốc hạt nhân như Nga; Thổ Nhĩ Kỳ cũng không điều động những "binh đoàn tình nguyện" chiến đấu tại Syria, như điều mà phương Tây cáo buộc Nga đang làm tại miền đông Ukraine.
Do đó, tầm ảnh hưởng cũng như khả năng phản ứng trước các tình huống phát sinh tại Syria của Thổ Nhĩ Kỳ là tương đối thấp. Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ bị động hơn nhiều so với Nga ở Donbass, nơi mà theo Bloomberg, ông Putin có thể kiểm soát tình hình theo ý muốn.
Hiện nay, bên cạnh những trừng phạt kinh tế, Nga đã điều động "hàng nóng" S-400 tới Syria, và sắp tới sẽ tăng cường gấp đôi những đợt không kích tại vùng núi nơi người Turkmen sinh sống.
Erdogan rõ ràng không đủ tiềm lực để đáp trả một cách hiệu quả trước diễn biến này, khi những rủi ro là quá lớn cho một cuộc chiến mà ông biết chắc sẽ không thể giành phần thắng.
Tóm lại, ông Putin đã có thiếu sót khi đánh giá thấp tầm quan trọng của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ, với cái giá phải trả là Su-24 cùng mạng sống của một phi công.
Nhưng ông Erdogan thì đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng trong tính toán, với những hậu quả nhiều khả năng còn lớn hơn rất nhiều.