Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Đức Bild, ông Putin nói: "Chúng ta đã làm sai mọi thứ ngay từ đầu. Chúng ta đã không xóa bỏ sự chia tách của châu Âu.
Đã 25 năm kể từ khi Bức tường Berlin bị kéo sập, nhưng châu Âu vẫn chưa thôi bị chia cách, bức tường vô hình đang dịch chuyển về phía Đông. Chính nó đã tạo trở thành cơ sở cho những lời chỉ trích lẫn nhau, sự hiểu lầm và cả khủng hoảng trong tương lai".
Tổng thống Putin thừa nhận, trong những năm tháng này, Nga đã mắc sai lầm nghiêm trọng nhất, đó là không tuyên bố một cách rõ ràng cũng như chủ động bảo vệ lợi ích quốc gia của mình ngay từ đầu.
"Chúng tôi đã thất bại trong việc khẳng định lợi ích quốc gia của mình, điều mà nhẽ ra chúng tôi nên làm từ đầu. Nếu vậy thì thế giới đã có thể cân bằng hơn".
Ông chủ Điện Kremlin dẫn lại dự đoán của giới chính trị gia Đức 25 năm trước rằng, sự đối kháng giữa các bên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh sẽ ngày càng tăng nếu sự cân bằng về quyền lực và dạng thức các mối quan hệ quốc tế không được thay đổi hoàn toàn.
Nhà ngoại giao kỳ cựu người Đức Egon Karl-Heinz Bahr năm 1990 đã từng nhận định: “Nếu chúng ta không có những bước đi mạnh mẽ để vượt qua sự chia rẽ ở châu Âu thì sớm hay muộn liên bang Xô Viết cũng bị cộng đồng quốc tế cô lập”.
Ông Bahr cũng đề xuất, toàn bộ Trung Âu, dù là có Đông Đức hay không, cũng nên thiết lập một liên minh với sự tham gia của cả Mỹ và Liên Xô.
Nhà lãnh đạo Nga đã tỏ ra tiếc nuối vì liên minh đó đã không được hình thành, châu Âu đã không được thống nhất thành một khối bởi có người "khao khát độc tôn về danh tiếng, quyền lực và thịnh vượng trên thế giới".
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Putin đã kêu gọi tất cả các quốc gia chung tay ứng phó với các mối đe dọa và thách thức chung, từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế tới nạn buôn người và cuộc khủng hoảng nhập cư.
Dù vậy, ông khẳng định: "Điều đó không có nghĩa là chúng tôi phải đồng ý với quyết định mà các quốc gia khác đưa ra về vấn đề này hay vấn đề khác.
Hơn nữa, nếu có ai đó không hài lòng với lập trường của chúng tôi, họ có thể tìm một lựa chọn khác tốt hơn là lần nào cũng tuyên bố chúng tôi là kẻ thù.
Chẳng phải là sẽ tốt hơn nếu họ lắng nghe chúng tôi, phản biện những gì chúng tôi nói, cùng nhau thống nhất và tìm kiếm giải pháp chung sao?".
Theo Tổng thống Nga, "tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng lợi ích của nhau và tuân thủ nguyên tắc chung" là điều kiện đơn giản cần tuân thủ nếu muốn mối quan hệ giữa Nga với châu Âu và các đối tác trên thế giới được phát triển.
"Chúng tôi sẵn sàng làm điều này với thái độ không đối đầu, để tìm kiếm sự thỏa hiệp, nhưng, tất nhiên, là dựa trên luật pháp quốc tế".