Ngay trước thềm năm mới 2016, Tổng thống Putin đã ký một văn bản có tên “Về Chiến lược An ninh Quốc gia của Liên bang Nga”. Theo đó, Moscow chính thức liệt Mỹ là một trong những mối đe doạ đối với an ninh của nước Nga.
Tài liệu trên sẽ thay thế cho bản chiến lược năm 2009 được Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev phê chuẩn. Theo bản năm 2009, ông Medvedev, hiện đang giữ chức Thủ tướng Nga, không hề đề cập đến cả Mỹ và NATO.
Khác biệt căn bản giữa chiến lược năm 2009 và năm 2016 là Mỹ và NATO đã được nhắc tên. Đáng chú ý là giờ đây Moscow đã chính thức coi Mỹ và NATO là mối đe doạ đối với an ninh của nước họ. Đây là lần đầu tiên bản chiến lược an ninh quốc gia của Nga nhắc đến tên của Mỹ.
Bản chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga cho rằng, vai trò của Moscow trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng như các cuộc xung đột quốc tế đã tăng lên và điều này đã gây ra phản ứng từ phương Tây.
Việc Nga thực hiện một chính sách độc lập “cả trên trường quốc tế lẫn sân khấu chính trị trong nước” đã gây ra “phản ứng từ Mỹ và các đồng minh của họ.
Phương Tây đang vật lộn tìm cách để duy trì thế độc tôn, thống trị trên sân khấu toàn cầu", bản chiến lược an ninh quốc gia của Nga cho biết. Và vì thế, họ đã tìm cách “gây áp lực về chính trị, kinh tế, quân sự và thông tin” đối với Nga.
Chiến lược an ninh quốc gia của Moscow cũng xác định sức mạnh ngày càng tăng của Nga trên trường quốc tế. Tuy nhiên, việc coi Mỹ là một mối đe doạ đối với Nga là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới trong những năm gần đây.
Theo Moscow, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã hậu thuẫn cho “một cuộc lật đổ chống lại hiến pháp ở Ukraine”.
Chiến lược an ninh quốc gia của Nga cũng đề cập đến NATO và cũng coi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương là một mối đe doạ.
Văn bản này là nền tảng, cơ sở để các cơ quan nhà nước của Moscow từ đó đề ra chiến lược xử lý các vấn đề an ninh quốc gia.
Việc Nga coi là Mỹ là mối đe doạ không có gì là lạ khi trên thực tế, giới chức ở Washington đã nhiều lần lên tiếng tuyên bố Nga là mối đe doạ lớn nhất đối với nước Mỹ.
Thậm chí, đã có lúc giới chức ở Washington ví Nga giống như tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát.
Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO dưới sự dẫn dắt của Mỹ đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Mỹ và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine.
Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, Mỹ và NATO vẫn tung ra hàng loạt đồn trừng phạt nhằm vào Nga đồng thời đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.
Trong thời gian qua, Mỹ cùng với phương Tây bị cáo buộc là đang tìm cách thổi phồng về mối đe dọa của Nga đối với các nước láng giềng.
Điều đó khiến cho các nước láng giềng xung quanh cuống cuồng kêu gọi NATO đưa quân và vũ khí và nước họ. Những nước này đồng thời cũng tăng chi tiêu quân sự để đối phó với cái mà họ gọi là mối đe dọa Nga.
Một số nước láng giềng xung quanh Nga thậm chí còn coi Nga là thách thức lớn nhất đối với an ninh Châu Âu.
Trong khi đó, Nga tin rằng, Mỹ cùng NATO đang dựa vào cái cớ là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, là cái được gọi là “mối đe dọa” từ Nga để tăng cường sự hiện diện quân sự ở mức độ chưa từng có trong các khu vực xung quanh Nga.
Mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Mỹ tiếp tục được đẩy lên một mức nữa khi Moscow chính thức tham chiến ở Syria, làm lu mờ ảnh hưởng của siêu cường số 1 thế giới tại khu vực Trung Đông.
Trong khi Nga dồn dập và quyết liệt không kích các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thì Mỹ cùng các đồng minh phương Tây ra sức cáo buộc Nga can thiệp quân sự vào Syria không nhằm mục đích chống khủng bố.
Mỹ và phương Tây tin rằng, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga thực chất chỉ là vỏ bọc để chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin cứu chính quyền của đồng minh Bashar al-Assad.