Báo Thổ Nhĩ Kỳ lật sự "tráo trở" của Erdogan sau 25 năm

Anh Tuấn |

Mới đây, nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ đã cho đăng tải một báo cáo mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan từng viết vào năm 1991, qua đó thể hiện sự thay đổi trong quan điểm đối với người Kurd của ông.

Báo Hurriet (Thổ Nhĩ Kỳ) đã cho đăng một số trích đoạn từ báo cáo dài 90 trang về “vấn đề người Kurd” do ông Erdogan soạn thảo khi còn là một thành viên của đảng Phúc lợi Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Istanbul vào năm 1991.

Trong báo cáo, ông Erdogan phản đối các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực người Kurd sinh sống ở phía Đông Nam, gọi đây là “tội ác to lớn” đối với “đồng bào người Kurd”.

Lúc đó, ông viết điều này bởi “vấn đề người Kurd” mang tính toàn quốc và giải pháp duy nhất đó là “công nhận tiếng của người Kurd là một ngôn ngữ riêng, không liên quan đến ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ”.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi ông Erdogan trở thành Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù người Kurd không bị cấm học tiếng mẹ đẻ của mình, nhưng nhiều chữ cái của ngôn ngữ Kurd đã bị cấm sử dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ và số trường học dạy tiếng người Kurd hiện tại rất ít.

“Vấn đề người Kurd về cơ bản mang tính toàn quốc. Những khu vực này đã tồn tại từ nhiều thế kỷ nay với tên gọi là Kurdistan”, ông Erdogan viết vào năm 1991.

“Khu vực này đã phải chịu khổ gấp đôi từ những cuộc tấn công của Đảng Lao động Kurdistan (PKK) cũng như hành động tội ác to lớn mà chính phủ đã gây ra cho cộng đồng người Kurd vì bị nghi ủng hộ PKK”.

Vào năm 2016, ông Erdogan lại phát biểu hoàn toàn khác. Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đối với lực lượng nổi dậy người Kurd rằng: “Các người sẽ bị tiêu diệt tại những căn nhà, những đường hào mà các người đào để lẩn trốn. Lực lượng an ninh của chúng tôi sẽ còn tiếp tục cuộc chiến này cho đến khi hòa bình có thể lập lại”.

Nhiều chính trị gia và nhà phân tích trên thế giới đã gọi chiến dịch quân sự chống lại người Kurd của ông Erdogan hiện nay là “tội ác to lớn”.

Đã có khoảng 200 người dân đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công bao vây của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 100.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa.

Nhiều cuộc xung đột lớn đã xảy ra giữa quân chính phủ và PKK cùng với các nhóm nổi dậy kể từ sau một vụ khủng bố đẫm máu xảy ra tại thành phố Suruc (Thổ Nhĩ Kỳ) khiến hơn 30 người chết, phần lớn trong số này là những người Kurd.

Sau khi các nhóm người Kurd giết hại 2 cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ mà họ cho là có liên quan đến IS sau vụ tấn công, Ankara đã tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm vào PKK. Xung đột leo thang vào tháng 12/2015 tại thành phố Diyarbakir và lệnh giới nghiêm đã được thiết lập tại nhiều khu vực sinh sống của người Kurd ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại