Politico: Mỹ đang “lo sợ” và cản trở Dòng chảy phương Bắc 2

Đức Dũng |

Theo lập luận của các nước Đông Âu, dự án này của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại “những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu”, làm mất ổn định tình hình Ukraine

Đức đang bày tỏ sự không hài lòng ra mặt đối với những nỗ lực của Nhà Trắng (Mỹ) nhằm gây áp lực lên tiến trình thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2”.

Do đó, nhiều khả năng Đức sẽ trực tiếp đứng ra đàm phán một cách độc lập để thúc đẩy dự án này.

Theo nhận định của tạp chí Politico, những xung đột xung quanh việc mở rộng tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” đang mang dáng dấp “vở tuồng cổ của thời chiến tranh Lạnh” khi Moscow và Washington đang tranh giành ảnh hưởng ở châu Âu.

Brussels, Warsaw và Washington hiện đang quan ngại rằng tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” của Nga sẽ trở thành “câu lạc bộ ngoại giao” trong tay Moscow và cho phép Nga gây ảnh hưởng đến quá trình cung cấp khí đốt cho các quốc gia Trung Âu.

Nếu như dự án này được triển khai, thị phần của Gazprom trên thị trường Đức sẽ tăng lên 60%.

“Một số quốc gia châu Âu liên tục phát đi các tín hiệu cho rằng những hậu quả của “Dòng chảy phương Bắc 2” sẽ không chỉ xảy ra đối với mối quan hệ Moscow-Berlin…

Chúng tôi tiếp tục bày tỏ sự quan ngại đối với dự án này cả ở cấp độ châu Âu cũng như cấp độ nội bộ nước Đức”- Đại sứ Mỹ tại Đức John Emerson phát biểu.

Tuy nhiên, Politico nhấn mạnh rằng Berlin đang không hài lòng với những nỗ lực của Mỹ nhằm gây áp lực lên tiến trình đàm phán thực hiện dự án trên.

“Có những vấn đề mà người châu Âu cần phải giải quyết một cách độc lập”- Đại sứ Đức tại Mỹ Peter Wittig nhấn mạnh.

Theo nhà ngoại giao này, người Mỹ “đang cố gắng gieo rắc nỗi sợ hãi đến các quốc gia châu Âu khác.

Ngoài Mỹ, Brussels cũng đang nỗ lực cản trở việc thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt của Nga.

Các nước châu Âu khác dưới sự lãnh đạo của Brussels đang nỗ lực tìm kiếm các căn cứ pháp lý để ngừng dự án này nhưng các nỗ lực này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Politico, hiện cơ quan năng lượng của Ủy ban châu Âu đã kết luận rằng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” phải nằm dưới sự điều chỉnh của EU, trong đó có cả phần đường ống chạy dưới đáy biển Baltic.

Căn cứ vào các điều luật của EU khi cấm bên cung cấp khí đốt đồng thời cũng là người sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng thì Gazprom của Nga sẽ mất đi quyền kiểm soát đường ống.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng phải thừa nhận rằng những quy định của họ không thể áp dụng với dự án của Nga.

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Merkel (trái)
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Merkel (trái)

Được biết, “Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án hợp tác giữa Nga và Đức để xây dựng 2 nhánh đường ống dẫn khí đốt từ Nga chạy qua biển Baltic sang Đức không qua lãnh thổ Ukraine với tổng công suất 55 tỷ mét khối/năm.

Dự án này có trị giá khoảng 10 tỷ Euro.

Các đối tác ký kết hợp đồng này với Nga là một loạt các tập đoàn năng lượng của Tây Âu như Công ty liên doanh New European Pipeline AG, trong đó Gazprom nắm 51% cổ phần, các tập đoàn E.ON, Shell, OMV và BASF/Wintershall, mỗi tập đoàn có 10% và hãng Pháp ENGIE là 9%.

Sau khi các thông tin về dự án này được công bố, Ba Lan, Slovakia và 7 nước Đông Âu khác đã kịch liệt lên tiếng phản đối dự án này.

Theo lập luận của các nước Đông Âu, dự án này của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại “những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu” và tiếp tục làm mất ổn định tình hình ở Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại