National Interest (NI) cho hay, điều khiến giới quan sát bối rối hơn sự đối đầu rõ ràng giữa lãnh đạo Nga-Mỹ và lực lượng vũ trang của 2 quốc gia này tại Syria, là phản ứng đầy thờ ơ và mơ hồ đến từ Trung Quốc - "quyền lực thứ 3" trong tam giác chiến lược toàn cầu.
Theo Sputnik News (Nga), phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 8/10 cho hay: "Chúng tôi không có thông tin gì về khả năng không quân Trung Quốc tham gia vào chiến dịch ở Syria."
Trước đó, một số báo cáo từ truyền thông phương Tây hồi đầu tuần nói rằng quân đội Trung Quốc có khả năng chung tay với Nga trong nỗ lực tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria.
Bà Hoa chỉ khẳng định, Bắc Kinh "ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để đối phó với các mối đe dọa khủng bố".
Trong khi đó, cả Mỹ và Nga đều kiên quyết thực hiện đường lối riêng để chống lại IS tại Syria. Mỹ muốn thay thế chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, còn Nga khẳng định vấn đề này phải do chính người Syria quyết định.
Mỹ và Nga tập trung lực lượng chống IS tại Syria, còn thái độ hờ hững của Trung Quốc đang khiến giới quan sát cảm thấy khó hiểu. (Ảnh minh họa: Sputnik)
Phân tích bài diễn văn của lãnh đạo Nga-Trung-Mỹ tại phiên họp lần thứ 70 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 28/9, NI kết luận:
"Trong khi Bắc Kinh khẳng định với thế giới rằng họ sẽ 'chơi đúng luật' và không tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng hay mở rộng lãnh thổ, thì nước này vẫn bận rộn mở rộng quy mô kinh tế của riêng mình ra toàn cầu và rõ ràng đang phát triển tham vọng địa chính trị cho phù hợp với điều đó".
Tác giả bài viết đặt câu hỏi 3 cường quốc này sẽ sắp đặt quan hệ với nhau như thế nào giữa những thách thức toàn cầu đang hiện hữu.
NI nêu ra 3 phương hướng cơ bản. Thứ nhất, Mỹ-Nga-Trung có thể tìm thấy mức độ thích ứng lẫn nhau ở các lợi ích chung như bảo vệ tự do thương mại toàn cầu, lưu thông, hợp tác chống lại các mối đe dọa toàn cầu như khủng bố, biến đổi khí hậu, bệnh dịch.
Thứ hai, rào cản của sự bất tín nhiệm vẫn tồn tại giữa 3 quốc gia, trong đó mỗi nước theo đuổi lợi ích quốc gia của mình độc lập so với các bên còn lại, làm sâu sắc thêm các rối loạn toàn cầu và làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng khu vực cũng như toàn cầu.
Cuối cùng, một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" có khả năng trở thành sự thật.
Tạp chí Mỹ khẳng định "sự cạnh tranh về địa chính trị trong thế kỷ XXI chắc chắn không chỉ dừng lại ở Washington và Moscow, mà còn có cả Bắc Kinh".
NI cũng nhận ra "một vài sự kết hợp giữa những bất ổn toàn cầu và những sự chi tách mới" giữa Nga-Trung-Mỹ là kịch bản có khả năng xảy ra nhất, căn cứ vào 3 bài phát biểu "không ăn nhập với nhau" của lãnh đạo các nước này tại LHQ vừa qua.
Ni dự đoán tình trạng phân cực này sẽ tiếp diễn "ít nhất tới khi những thách thức hay các cuộc khủng hoảng đủ lớn để buộc 3 'ông lớn' phải tìm kiếm một con đường hợp tác".