Chính quyền Hà Lan vừa thông báo ngày 13/10 tới sẽ công bố Bản kết luận cuối cùng về nguyên nhân của vụ thảm họa MH17.
Liệu chiếc máy bay xấu số này đã bị bắn bởi tên lửa không đối không từ một chiến đấu cơ, hay đã bị bắn bởi hệ thống tên lửa BUK từ đất liền, đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
Tháng 12/2014, một người đàn ông Ukraine đã đến gặp tòa soạn báo "Sự thật thanh niên" ở Moscow, nói rằng đã chứng kiến sự việc máy bay không quân Ukraine đã xuất phát ngay trước thời điểm chiếc MH17 bị bắn hạ.
Anh này là nhân viên kỹ thuật của một căn cứ không quân Ukraine, đã vượt biên giới sang Nga để gặp báo giới cung cấp thông tin "động trời" này.
Theo lời nhân chứng này (khi đó yêu cầu giấu tên), vào ngày xảy ra thảm họa 17/7/2014, anh ta có mặt tại sân bay quân sự ở làng Aviatorskoe gần thành phố Dnepropetrovsk.
Từ sân bay này, ba máy bay tiêm kích của Ukraine đã xuất kích, trong đó có chiếc SU-25 được trang bị tên lửa không đối không. Hai chiếc trong số này đã không trở về.
Chiếc thứ ba quay trở về, nhưng không còn quả tên lửa nào. Phi công của chiếc máy bay này là đại úy Vladislav Voloshin có nói khi đó :"Không phải chiếc máy bay đó...Nó xuất hiện không đúng lúc, không đúng chỗ".
Cuối cùng, thì danh tính của "nhân chứng bí ẩn" cũng đã được tiết lộ. Đó là thợ cơ khí Evgheny Agapov. Dựa theo các thông tin đã công bố trên tờ "Sự thật thanh niên" của Nga, Ủy ban điều tra đã gọi Agapov đến thẩm vấn với sự trợ giúp của máy phát hiện nói dối.
Các nhà báo tìm hiểu thì thấy nhân vật đại úy V. Voloshin là có thật. Ngày 19/7/2014, chỉ 2 ngày sau khi xảy ra thảm họa MH17, Voloshin đã được nhận Huân chương "Dũng cảm" hạng 3 và được treo ảnh trong văn phòng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
Bài trả lời phỏng vấn báo "Sự thật Ukraine" của Voloshin cách đây đôi ngày khá khó hiểu với người đọc. Nhưng có một số chi tiết trùng hợp với lời khai của nhân chứng Agapov, khi viên đại úy này nói:
"Tôi tham gia vào tất cả các trận đánh, khi mà các chiếc SU-25 bị bắn hạ, lúc thì bay chỉ huy, khi thì bay phối hợp. Các anh chắc có đọc bài phỏng vấn phi công tù binh (bị quân ly khai bắn hạ).
Cậu ta bị bắt, rồi bị quân ly khai bắt phải nói những gì họ muốn. Chính tôi đã cùng bay chiến đấu cùng cậu ấy. Khi đó có 3 chiếc máy bay, 2 chiếc trong số đó, thật không may bị bắn hạ, còn tôi phải một mình trở lại sân bay".
Theo Voloshin, trận này diễn ra ngày 23/7, tức 6 ngày sau khi thảm họa MH17 xảy ra.
Viên phi công này phủ nhận việc bắn hạ MH17 :"Tên lửa của máy bay chúng tôi là tên lửa tầm nhiệt. Có nghĩa là, nếu như tên lửa được bắn vào máy bay (Boeing) thì nó sẽ lao thẳng vào động cơ, chứ không phải là khoang cabin máy bay".
Voloshin còn nói thêm là ngày 17/7 anh ta không bay chuyến nào.
Nguyên nhân, theo Voloshin, là do hôm đó thời tiết xấu, mây mù bao phủ nên máy bay không thể cất cánh. Tuy nhiên, năm ngoái, ông Markyan Lubkivskji-cố vấn của Giám đốc cơ quan an ninh Ukraine lại có lời giải thích khác:
"Ngày 17/7/2014, theo kế hoạch, không quân Ukraine không tham gia chiến đấu ở vùng chiến sự. Đại úy Voloshin cũng không bay trong ngày hôm đó. Ngày 16/7, máy bay của anh ta phải đi bảo dưỡng".
Lubkivskji không hề đả động gì đến tình hình thời tiết hôm đó.
Cũng theo đại úy Voloshin, có thể nhân chứng Agapov đã có sự nhầm lẫn về ngày tháng. Sự kiện 3 máy bay xuất kích đúng là có thật, nhưng nó diễn ra vào ngày 23/7, tức 6 ngày sau khi thảm họa MH17.