Việc Tổng thống Benigno Aquino quyết định khước từ lời mời tham dự cuộc diễu binh ở Trung Quốc không phải là điều đáng ngạc nhiên trong bối cảnh Philippines là nước bị Trung Quốc chèn ép dữ dội nhất trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, và Philippines cũng đả kích mạnh mẽ nhất những hành vi của Trung Quốc dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền.
Đơn Manila kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc tại Biển Đông hiện đang chờ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye (The Hague).
Quyết định của Tổng thống Philippines tẩy chay lễ kỷ niệm nói trên phù hợp với quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh từng được ông Aquino thể hiện từ khi lên nhậm chức năm 2009 đến nay, trái ngược hẳn với người tiền nhiệm là bà Gloria Arroyo bị cáo buộc là quá thân thiết với Bắc Kinh.
Ông Aquino luôn tỏ thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Manila ở Biển Đông và nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ và Nhật Bản để đối lại với Trung Quốc.
Theo tờ "Want China Times", ngay từ trước khi Mỹ tung ra chiến lược xoay trục sang châu Á, tâm lý chống Trung Quốc đã xuất hiện ở Philippines, cụ thể là ngay từ nửa cuối năm 2007, sau khi Tổng thống khi đó là bà Gloria Arroyo ký kết với Trung Quốc một loạt hiệp định hợp tác và bị Quốc hội Philippines cực lực phản đối.
Trong bản danh sách được hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc công bố ngày 25/8, chỉ có 30 “thượng khách” đã xác nhận sẽ đến Bắc Kinh nhân lễ kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc vào ngày 3/9.
Trong danh sách đó hoàn toàn không có một nhà lãnh đạo quan trọng nào của phương Tây.
Theo giới phân tích, Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản không thể tham dự một buổi lễ mà trong đó Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự trong bối cảnh Bắc Kinh đang gây quan ngại cho các nước láng giềng cũng như nhiều nước khác bằng các hành vi dùng sức mạnh áp đặt chủ quyền tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Sự có mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi lễ nói trên có thể là vì một lý do khác.