Phải chăng Ukraine muốn một cuộc chiến thực sự với Nga?

Ngân Giang |

Việc Ukraine vừa ra mắt học thuyết quân sự mới coi Nga là “đối thủ quân sự” và quyết tâm gia nhập NATO đang được cho là động thái “gây bão” với Nga.

AP dẫn thông báo của Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine hôm 2/9, cơ quan này đã thông qua học thuyết quân sự mới.

Nội dung của học thuyết này xác định Nga là đối thủ quân sự, đồng thời nhấn mạnh tới việc phải “giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”.

Học thuyết mới định hình các biện pháp khôi phục chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như các vấn đề phát triển tiềm năng quốc phòng và an ninh Ukraine.

Học thuyết này thể hiện rõ quyết tâm chống lại sự xâm lược vũ trang và các hành động tương tự.

phai chang ukraine muon mot cuoc chien thuc su voi nga? hinh 0

Cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine hôm 2/9. (ảnh: RIA Novosti)

Tuyên bố sau khi Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine thông qua Học thuyết Quân sự mới, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhấn mạnh, học thuyết quân sự không chỉ đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, mà còn là nền tảng giúp Ukraine hướng tới mục tiêu trở thành một thành viên chính thức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Học thuyết này vẫn đang chờ Tổng thống Poroshenko thông qua.

Đáng chú ý, học thuyết này được công bố đúng thời điểm Ukraine đang có cuộc tập trận quân sự với NATO cùng nhiều tuyên bố thể hiện sự “đoạn tuyệt” với Nga.

Đoạn tuyệt khí đốt và công nghiệp quốc phòng

Bộ trưởng năng lượng Ukraine Volodymyr Demchyshyn hôm 28/8 thông báo Ukraine có thể mua 80% nhu cầu khí đốt từ các nước EU.

Điều này mở ra khả năng Kiev gần như chấm dứt sự phụ thuộc vào công ty năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom.

Ngoài khí đốt, chính phủ Ukraine tuần qua đã hủy bỏ một thỏa thuận vốn đã kéo dài 22 năm với Nga về hợp tác sản xuất và khoa học kỹ thuật giữa các doanh nghiệp quốc phòng song phương.

Việc hủy bỏ thỏa thuận này được cho là bước đi cuối cùng, cắt đứt quan hệ hợp tác trên lĩnh vực quân sự giữa Ukraine và Nga.

Động thái này vốn được nhen nhóm từ tháng 5 năm nay, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã thông báo về khả năng Kiev đã quyết định hủy bỏ thỏa thuận hợp tác kỹ thuật-quân sự trên với Nga.

Nguyên nhân của việc hủy thỏa thuận này được ông Yatsenyuk lý giải là do Nga sáp nhập bán đảo Crimea, cùng những động thái can thiệp vào cuộc khủng hoảng miền Đông, làm cho Ukraine mất đi sự toàn vẹn lãnh thổ.

Từ cuối tháng 3/2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của mình, Kiev đã tạm đình chỉ các hoạt động hợp tác quân sự với Moscow.

Tăng cường tập trận với NATO

Ngay từ đầu năm, Bộ quốc phòng Ukraine đã thông báo nước này sẽ có tới 11 cuộc tập trận với NATO trong năm 2015.

Và cuộc tập trận Gió Biển 2015 bắt đầu từ 31/8-12/9 đang diễn ra được cho là sự kiện lớn nhất của NATO (có sự tham gia của Ukraine) kể từ thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Cuộc tập trận Gió Biển 2015 diễn ra trong khuôn khổ chương trình “Đối tác vì hòa bình”  với sự tham gia của gần 2.500 binh sỹ từ Bulgaria, Đức, Hy Lạp, Italy, Anh, Rumani, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và Moldova, khoảng 1.000 binh sỹ Ukraine và gần 400 lính hải quân Mỹ.

phai chang ukraine muon mot cuoc chien thuc su voi nga? hinh 1

Tổng thống Ukraine Poroshenko đọc diễn văn trước quân đội hôm 22/8. (ảnh: AFP)

Ngoài ra, có tổng cộng  14 tàu, 8 máy bay phản lực và trực thăng, và khoảng 90 xe quân sự dự kiến sẽ được huy động để tham gia các cuộc tập trận này. Gió Biển được tổ chức ở khu vực Odessa và Nikolaevsk của Ukraine.

Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Ukraine, mục đích của cuộc tập trận nhằm thực hành chiến dịch an ninh trên bộ, hải quân và không quân của lực lượng đa quốc gia tại khu vực khủng hoảng.

Nga phản ứng ra sao?

Do học thuyết quân sự mới đang chờ Tổng thống Ukraine ký nên phía Nga hiện chưa có phản ứng chính thức.

Về cuộc tập trận chung Ukraine – NATO, Nga đã coi đó là hành động khiêu khích.

Ngoài tuyên bố “quan ngại”, Nga đã điều động tàu chiến chống ngầm cỡ lớn lớp Udaloy thuộc Hạm đội phương Bắc để tới Biển Barents. Đây là lần đầu tiên tàu chiến này được đưa tới Biển Barents để tham gia tập trận.

Liên quan đến việc Ukraine hủy thỏa thuận sản xuất và khoa học kỹ thuật giữa các doanh nghiệp quốc phòng giữa 2 nước, phía Nga tuyên bố hành động của Ukraine chắc chắn sẽ gây cho Nga khá nhiều khó khăn trong quá trình nội địa hóa các sản phẩm quốc phòng của mình.

“Nhưng đó chỉ là giai đoạn bước đầu. Nga đã lường trước điều này nên từ nhiều năm nay Nga có sự chuyển hướng hợp tác với các đối tác khác thay vì phụ thuộc nhiều vào Ukraine như trước kia”, theo tin của RT.

Tổng thống Putin đã tuyên bố sẽ dùng 20.000 tỷ Ruble  (hơn 576 tỷ USD) để hiện đại hóa lực lượng vũ trang, 3.000 tỷ Ruble (tương đương 83 tỷ USD) được dùng để hiện đại hóa các công ty quốc phòng và đẩy nhanh tốc độ thay thế linh kiện sản xuất ở Ukraine.

Tuy sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình nội địa hóa toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng nhưng khẳng định là Nga sẽ làm được và sau đó họ sẽ dễ dàng triển khai các đồng bộ và tự chủ các kế hoạch sản xuất vũ khí của mình.

Trong tương lai xa, Nga sẽ thu lợi nhờ việc này.

Về phía Ukraine, nước này sẽ khó khăn hơn nhiều, do đang đứng trước khả năng đổ vỡ nền kinh tế.

Việc chấm dứt hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga càng khiến triển vọng phục hồi và phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng nước này trở nên mờ mịt.

Theo như lời chuyên gia Olexy Melnik đã từng nhận định trên tờ Christian Science Monitor : “Ukraine đang đi vào bước đường cùng khó có thể hàn gắn rạn nứt với Nga nếu không muốn nói tới khả năng xấu hơn là dấn thân vào bờ vực một cuộc chiến với người láng giềng”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại