Trả lời phỏng vấn TASS bên lề Diễn đàn Kinh tế phía Đông (EEF) tại Vladivostok (Nga) hôm nay, ông Tadashi Maeda, giám đốc điều hành Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết các doanh nghiệp nước này đang phải đau đầu chịu khổ từ hệ quả của lệnh trừng phạt.
"Mối đe dọa mới nhất đến từ hệ quả tiêu cực của các lệnh trừng phạt với Nga, đặc biệt là từ Mỹ. Chúng tôi không thể dùng USD để thiết lập hạn mức tín dụng. Chúng tôi chỉ có thể dùng yen, và điều này dẫn đến nhiều vấn đề kĩ thuật" - ông Maeda phát biểu.
Ông cũng thừa nhận sự tồn tại của lệnh trừng phạt như một lẽ tất yếu của chính trị, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh điều đó không nên gây ảnh hưởng tới cộng đồng các doanh nghiệp.
"Kinh tế và chính trị cần phải tách biệt. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đang là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp Nhật Bản" - ông nói thêm.
Ngoài ra, theo giám đốc điều hành JBIC, rất nhiều ngân hàng Nhật Bản hiện đang hoạt động tại Mỹ, và các ngân hàng này đang bị ràng buộc nếu có giao dịch với Nga.
Ông Maeda lấy ví dụ về tập đoàn dầu khí Rosneft, một trong những đối tượng nhận lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Nếu bất kì doanh nghiệp Nhật Bản nào làm ăn với công ty này, chính họ cũng sẽ nhận trừng phạt từ Mỹ.
"Do đó, có thể nói rằng các doanh nghiệp Nhật Bản đang bí biến thành 'con tin' của các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt" - ông nhận xét.
Theo TASS, diễn đàn EEF đầu tiên đã khai mạc tại Vladivostok hôm nay và sẽ kéo dài đến ngày 5/9. Tại đây, các cơ hội đầu tư cùng các dự án địa phương sẽ được các bên liên quan giới thiệu.
Theo Bộ trưởng Bộ Phát triển Viễn Đông Nga, ông Alexander Galushka, tổng giá trị các hợp đồng và hiệp ước đã được soạn thảo tại EEF đạt mức 4.700 tỉ ruble (tương đương gần 70 tỉ USD).