Ông Tập Cận Bình đánh gục “bè lũ bốn tên” thế kỷ 21

Nhàn Đàm |

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không sai khi tuyên bố vào trung tuần tháng 11 vừa qua rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới là nhân vật khiến ông chú tâm nhiều hơn là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Tập Cận Bình được chú ý đặc biệt khi vừa mới đánh gục "bè lũ bốn tên" trong thế kỷ 21.

Không chỉ nằm ở việc quyền lực kinh tế đang lên và kéo theo đó là quyền lực chính trị của cường quốc kinh tế Đông Á, Tổng thống Obama có lẽ còn muốn ám chỉ những gì mà Chủ tịch Trung Quốc có thể tạo nên trong tương lai gần, không chỉ ở Trung Quốc mà còn có thể trên cả thế giới.

Thế giới trong hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 chứng kiến một bước ngoặt khổng lồ, kéo quỹ đạo thế giới cả về chính trị lẫn kinh tế đi theo một hướng hoàn toàn khác, đó là khi Trung Quốc mở cửa đầu thập niên 80 dưới sự lãnh đạo của ông Đặng Tiểu Bình.

Cuộc cải cách dù với mục đích ban đầu là đưa Trung Quốc thoát khỏi một sự sụp đổ đã thực sự trở thành một cuộc cải cách thần kỳ đưa Trung Quốc từ một nước nghèo trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới với tốc độ tăng trưởng chóng mặt trong ba thập kỷ liên tiếp, và đi cùng với đó là quyền lực chính trị ngày càng tăng của đất nước Đông Á.

Người được coi như kiến trúc sư trưởng và được vinh danh cho cuộc cải cách ấy là Đặng Tiểu Bình, một nhà lãnh đạo được coi là có thái độ cứng rắn đến kiên quyết để dẹp tan những phe phái cản trở quá trình cải cách.

Và giờ đây, có vẻ như Trung Quốc lại đang chuẩn bị cho một cuộc cải cách thứ hai, khi những dấu hiệu cho một cuộc cải cách có vẻ như đang lần lượt xuất hiện một cách đầy đủ ở nước này vào thời điểm hiện tại.

Mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được đánh giá là sẽ chạm giới hạn trong một hoặc hai năm tới, quyền lực địa phương và nạn tham nhũng vốn là những cản trở chính của cải cách đang gia tăng với tốc độ chóng mặt, thậm chí leo lên đến những vị trí cao cấp nhất.

Tất cả những dấu hiệu của cải cách thập niên 80 dưới thời ông Đặng Tiểu Bình giờ đây đang tái hiện lại một cách đầy đủ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình ở thời điểm hiện tại.

Đa phần các nhà phân tích ở thời điểm hiện tại vẫn xem những vụ án chống tham nhũng lớn do ông Tập Cận Bình phát động từ khi lên nắm quyền vào năm 2012 đến nay như những vụ việc đơn lẻ, có tác dụng đánh mạnh vào tầng lớp quan lại tham nhũng ở Trung Quốc.

Hầu hết giới phân tích đều không để ý tới sự tập trung và gia tăng quyền lực một cách đáng kể của đương kim Chủ tịch Trung Quốc.

Xét xử Bạc Hy Lai, khởi tố Từ Tài Hậu, bắt giữ và điều tra Chu Vĩnh Khang, và mới nhất là điều tra Lệnh Kế Hoạch, cựu trợ lý của người tiền nhiệm, ông Hồ Cẩm Đào.

Có thể thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hướng đến những quan chức cao cấp nhất, những đối tượng mà qua đó đương kim chủ tịch Trung Quốc có thể tập trung mở rộng quyền lực của mình một cách cao độ nhất.

Sự tập trung quyền lực tối cao của ông Tập Cận Bình, vì thế đang được so sánh với quyền lực tối cao mà ông Đặng Tiểu Bình có được trước khi quyết định cải cách.

“Ông Tập đang nổi lên như một nhà lãnh đạo có uy quyền mạnh nhất ở Trung Quốc kể từ thời ông Đặng Tiểu Bình”, giáo sư chính trị học Joseph Fewsmith thuộc đại học Boston cho biết.

Sự gia tăng quyền lực này được cho là có sự ủng hộ của một phần lớn các nhà lãnh đạo lão thành và đương nhiệm của Trung Quốc như khi ông Đặng Tiểu Bình thanh trừng các phe phái ở Trung Quốc cách đây hơn ba thập kỷ.

Quá trình bắt giữ và điều tra những quan chức cao cấp tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang được ví với quá trình ông Đặng Tiểu Bình bắt giữ các nhân vật đầu sỏ thời bấy giờ là "Nhóm bốn tên" trong đó người đứng đầu là bà Giang Thanh, vợ của ông Mao Trạch Đông.

Cụm từ bè lũ bốn tên cũng đang được sử dụng lại để nhắc đến bộ tứ Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch như nhóm quan chức cấp cao tham nhũng và cản trở kế hoạch cải cách của ông Tập Cận Bình.

Sự tập trung và mở rộng quyền lực một cách chủ động của ông Tập Cận Bình và được sự chấp nhận và ủng hộ của giới chức lãnh đạo Trung Quốc vì thế đang được xem là những biểu hiện của một sự tái hiện cuộc cải cách của ông Đặng Tiểu Bình cách đây ba thập kỷ đã đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế.

Và giờ đây, khi cuộc cải cách ấy đã đến giới hạn, thì Trung Quốc cần một cuộc cải cách khác, một cuộc cải cách kinh tế được dự báo còn khó khăn hơn lần trước rất nhiều lần, và đi kèm với nó là rủi ro của một sự sụp đổ cũng lớn hơn nhiều.

Với tiềm lực khổng lồ của mình, không khó để Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế khi mở cửa; nhưng để làm được điều tương tự ở thời điểm hiện nay quả là một việc khó hơn lên trời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại