Ông Putin đòi chủ quyền “đoàn tàu ma chở vàng” ở Ba Lan

Vĩnh Thụy |

Báo Independent (Anh) đưa tin Tổng thống Nga, ông Putin đòi chủ quyền "đoàn tàu ma chở vàng" của phát xít Đức có vẻ được tìm thấy ở Ba Lan, theo tuyên bố của một luật sư Nga với trang tin điện tử Sputnik.

Luật sư Mikhail Joffe nói có khả năng ông Putin đòi chủ quyền "đoàn tàu ma chở vàng", để bồi thường cho những tổn thất của Nga trong Thế chiến 2.

Cái gọi là “đoàn tàu vàng” được cho là đã tìm thấy gần thành phố Walbrzych (tây nam Ba Lan) nơi từ 70  năm qua đã có tin đồn rằng một đoàn tàu chở đầy vàng bị bỏ phế dưới một đường hầm, vào thời phát xít Đức chiếm đóng Ba Lan.

Trang tin điện tử Nga dẫn lời luật sư Joffe: “Các đại diện Nga nên tham gia xác định giá trị số vật được tìm thấy nếu xác định được vị trí đoàn tàu. Trong trường hợp này, Ba Lan phải thuê các chuyên gia quốc tế xác minh đoàn tàu chứa gì.

Nếu số tài sản này bị cướp khỏi lãnh thổ, gồm lãnh thổ Liên Xô, thì số tài sản này phải chuyển cho phía Nga, theo đúng luật quốc tế”.

Nhưng các quan chức Ba Lan không đồng ý. Thứ trưởng Bộ Bảo tồn Piotr Zuchowski nói với báo chí địa phương: “Những cuộc phân tích mà chúng tôi thực hiện với các luật sư, đã làm rõ, rằng nếu tìm thấy đoàn tàu, thì nó sẽ do Kho bạc quốc gia kiểm soát”.

Các quan chức chính phủ Ba Lan nói họ “đoan chắc hơn 99% đoàn tàu này có thật”. Nhưng Bộ Văn hóa Ba Lan kêu gọi “người cướp phá” nên chấm dứt tìm kiếm nó, vì họ có thể tự hại mình, do đoàn tàu có thể chở vật liệu nguy hiểm từ thời Thế chiến 2.

Các chuyên gia cảnh cáo rằng đoàn tàu có thể bị gài mìn hoặc chất nổ. Thị trưởng Jacek Cichura nói: “Nếu đoàn tàu này thực sự hiện hữu, có nhiều nguy cơ nó đã bị gài mìn, và nó cũng có thể chứa một lượng lớn khí mê tan”.

"Đoàn tàu vàng" trị giá 200 triệu USD

Vụ này khiến "thợ săn" kho báu thời Thế chiến 2 đổ về Walbrzych (tây nam Ba Lan) đang lên cơn sốt, sau khi hai "thợ săn" người Đức và Ba Lan tuyên bố họ tìm được đoàn tàu bọc thép chở đầy vàng, kim cương, đá quý, tranh quý cùng các máy móc công nghiệp… trị giá 200 triệu USD của phát xít Đức.

Theo lời đồn đoán lâu nay, khi Hồng quân Liên Xô đang áp sát Đức và quân Đồng minh đang ném bom Đức trong những ngày cuối của Thế chiến 2 (kết thúc hồi tháng 5.1945) phát xít Đức chất vàng và của cải lên đoàn tàu đưa đi giấu, vì không thể đem chúng về Đức.

Đa số tài sản quý giá là của những gia đình Do Thái bị phát xít Đức chiếm cướp.

“Đoàn tàu vàng” được cho là mất tích gần thành phố Breslau (Đông Đức lúc đó, nay là thành phố Wroclaw thuộc Ba Lan).

Có tin nói nó đã đi vào một đường hầm trong một ngọn đồi gần lâu đài Ksiaz ở vùng núi Cú và biến mất từ đó. Sau này, đường hầm bị đóng và bị lãng quên.

Thông tin của hai “thợ săn” có thể đúng, vì phát xít Đức từng có dự án RIESE (khổng lồ, tiếng Đức) xây mạng lưới đường hầm, pháo đài và nhà ga xe lửa ngầm dưới đất từ năm 1941 nhằm sơ tán nguồn hậu cần, xí nghiệp và nhân công xuống hầm mỗi khi bị quân Đồng minh ném bom.

"Thợ săn" địa phương Andrzej Boczek, 55 tuổi, một thành viên Nhóm nghiên cứu Silesian đã dẫn phóng viên Daily Mail đến nơi giấu đoàn tàu, cho biết cách lâu đài Ksiaz 2,37km là bộ chỉ huy quân phát xít.

Ong Putin doi chu quyen

"Thợ săn" kho báu Boczek 

Lời dọa giết để tranh kho báu

Theo trang web Wiadomosci Walbrzyskie (Ba Lan), kho báu trên đoàn tàu huyền thoại có thể lên tới 300 tấn, và hai thợ săn đòi được chia 10% công phát hiện, có giấy cam kết đàng hoàng, thì họ mới tiết lộ vị trí đoàn tàu dài 150m này.

Nếu đoạt được thỏa thuận, họ sẽ lập tức trở thành tỷ phú.

Theo báo Daily Mail, nhóm nghiên cứu Silesian khẳng định 2 năm trước họ đã tìm thấy “đoàn tàu vàng”, và hai thợ săn đã “cướp công” của họ. Nhưng nhóm này không là những người đầu tiên tìm ra.

Một thành viên giấu tên vì đã nhận được những cú điện thoại dọa giết “của một người đàn ông bí ẩn”, nói với tờ báo Anh: “Khoảng 2 - 3 năm trước, chúng tôi dùng radar và máy đọc từ trường để tìm kiếm.

Chúng tôi phát hiện một bất thường ở độ sâu 70m, và cuộc điều tra sau đó cho thấy đó hầu như là một đoàn tàu. Ai cũng biết phát xít xây một mạng lưới đường sắt dưới các ngọn núi.

Chúng tôi biết hồi tháng 5.1945, vàng và các món vật giá trị từ Wroclaw được chuyển đến Walbrzych thì chúng biến mất ở giữa hai thị trấn Lubiechow và Swiebodzice.

Hồi Thế chiến 2, luôn có một đồn quân SS Đức canh phòng rất kỹ ở đây. Và ngay dưới cầu đường sắt là lối vào đường hầm”.

Thành viên này nói tiếp: “Chúng tôi đã ghi chép các phát hiện, đánh dấu vị trí lên một bản đồ, cũng như lưu trữ thông tin vào máy điện toán. Chúng tôi tin chắc đó là nơi đoàn tàu vàng được giấu.

Nhưng ngay sau phát hiện của chúng tôi, dữ liệu khu vực và bản đồ bị mất. Ban đầu chúng tôi ngỡ để thất lạc, nhưng rồi chúng tôi nghe nói phát hiện của hai thợ săn, và chúng tôi nhận định họ đang nắm các thông tin của chúng tôi”.

Ông ta còn còn nói ông ta đã bị “cảnh cáo” chớ nên nói ra chuyện này, cũng không được điều tra thêm nữa: “Đêm qua, tôi nhận được một cú điện thoại từ một người bí ẩn, cảnh cáo tôi nên tránh xa và không làm gì hết.

Nhiều người nguy hiểm quan tâm việc tìm ra đoàn tàu, nên đây có thể là đòn cảnh cáo của một trong những kẻ ấy. Người gọi cho tôi biết tôi biết điều gì đó”.

“Phát hiện ngang tầm tìm được Titanic”

Theo báo Guardian (Anh), các "thợ săn" từ khắp châu Âu đổ về với hy vọng hưởng chút “chiến lợi phẩm, hoặc ít ra được chứng kiến một phát hiện mang tính lịch sử.

Luật sư Jaroslaw Chmielewski đại diện hai "thợ săn" nói đây là một phát hiện rất có ý nghĩa với thế giới, tương tự việc tìm được chiếc tàu Titanic.

Dù một số nhà sử học nói có thể đây là một vụ giả mạo, nhưng nhiều cư dân địa phương tin có thể tuyên bố của hai thợ săn là đúng, không chỉ vì nó sẽ xác nhận tin đồn lan truyền từ 70 năm qua về sự hiện hữu của số vàng và kho báu trong những đường hầm và trong hầm lò ở vùng mỏ này.

Như năm 1945, khoảng 100 tấn vàng thỏi được tìm thấy ở nơi cất giấu trong một mỏ muối gần Merkers (tây nam Đức).

Báo Gazeta Wyborzca (Ba Lan) dẫn một nguồn tin giấu tên: hai "thợ săn" đã dùng công nghệ dò tìm radar xuyên đất, xác định vị trí “đoàn tàu vàng” nằm cách mặt đất 70m.

Thông tin khác nêu nó nằm dưới một nhà ga không còn sử dụng ở làng Walim ở đông nam Walbrzych. Hồi tháng 5.2015, có lẽ ở làng này đã diễn ra một cuôc đào tìm, để lại 6 lỗ đào lớn, theo trưởng làng, dù thực tế là chính quyền không cấp giấy phép đào tìm.

"Đoàn tàu vàng" chở cả Phòng Hổ phách?

Trước đây, chuyện kho báu “đoàn tàu vàng” của phát xít Đức dẫn đến đồn đoán rằng Phòng Hổ phách của Sa hoàng Nga cũng ở vùng Walbrzych, cụ thể là trong một đường hầm dẫn đến lâu đài Ksiaz. Nhưng cũng không tìm thấy được.

Phòng Hổ phách là tài sản quý thời các Sa hoàng Nga, được đánh giá trị giá 250 triệu bảng Anh, theo báo Independent.

Phòng Hổ phách được xem là kỳ quan thứ 8 của thế giới, gồm những mảng tường chạm hổ phách màu đỏ và dát vàng cùng đá quý, theo phong cách baroque.

Khi 565 ngọn nến được thắp, căn phòng trở nên sáng vàng rực rỡ. Nhiều người nói căn phòng này vô giá.

Phòng Hổ phách là quà tặng của Vua Phổ dành cho Sa hoàng Peter đệ nhất hồi năm 1716.

Sau đó, Nữ hoàng Nga Catherine I giao việc cho một nhóm thợ chạm tháo rỡ căn phòng để chuyển từ Cung điện mùa đông ở St Petersburg về cung điện mùa hè Tsarskoye Selo ở ngoại ô thành phố này.

Hồi năm 2003 Nga đã dựng lại phiên bản Phòng Hổ phách tại cung điện ấy.

Phòng Hổ phách gốc bị mất năm 1945, khiến có thông tin phát xít Đức chiếm làm chiến lợi phẩm và đem về Đức cất giấu.

Nhưng theo nhà sử học-nhà báo Nga Sergei Trifonov, Phòng Hổ phách được giấu trong một lô cốt sâu 12m tại Kaliningrad (Nga). Lô cốt này từng là nơi quân Đức đặt bộ chỉ huy vào những giờ cuối cùng của mặt trận Koenigsberg.

Theo Trifonov, phát xít Đức xây lô cốt này được xây hồi tháng 2.1945 với hai mục tiêu: làm trụ sở chỉ huy của tướng Otto Lasch và cất giấu những tài sản của thành phố Koenigsberg bị bao vây.

Vào năm 1941, khi Đức đánh Liên Xô, họ chiếm Phòng Hổ phách làm chiến lợi phẩm và đem về một tòa lâu đài ở  Koenigsberg.

Vào tháng 1.1945, sau những đợt bom cùng một cuộc tấn công bằng bộ binh, căn phòng rộng 35m biến mất và trở thành một bí mật.

Có thông tin rằng lần cuối cùng người ta trông thấy nó là  vào tháng 4.1945, khi nó được tháo dỡ và đem cất trong những cái thùng.

Ngày 9.4.1945, Hồng quân Liên Xô chiếm được Koenigsberg, đặt tên lại thành Kaliningrad , theo tên một nhà lãnh đạo Liên Xô.

Hoặc có thông tin Phòng Hổ phách bị chìm dưới đáy Đại Tây Dương trong một chiếc thủy lôi hạm của Đức khi nó được bí mật chuyển vể Đức, hoặc đã bị Hồng quân Liên Xô chiếm và dỡ từng miếng nhỏ gửi về gia đình họ.

Nhưng Trifonov vẫn tin căn phòng vẫn được cất giấu trong lô cốt cách nền tòa lâu đài (bị phá bỏ năm 1967). Để kiểm tra giả thiết của mình, Trifonov bắt đầu kiểm tra đất dưới lô cốt bằng cách dùng radar xuyên đất rồi bơm nước ra ngoài.

Ông đã đào đến một phòng bằng gạch. Ông bảo các cánh cửa thép của lô cốt đều có những biểu tượng Viking và một chữ thập, khiến Trifonov cho rằng lô cốt không nhằm mục đích quân sự.

Một số người không tin Trifonov, như chuyên gia  Vladimir Kulakov của Viện khảo cổ Nga và cũng đã tìm Phòng Hổ phách.

Nhưng phó chủ nhiệm bảo tàng lịch sử-nghệ thuật Kaliningrad , ông Anatoly Valuyev nuôi hy vọng căn phòng này vẫn ở Kalingrad, nơi có nhiều địa điểm ngầm chưa được khám phá.

Ong Putin doi chu quyen

Phòng Hổ phách được phục dựng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại