Đã đến lúc Ukraine "nói lời chia tay" với phương Tây?

Hải Võ |

Sputnik News (Nga) mới đây nhận định, chính quyền thân phương Tây của Tổng thống Ukraine đang đứng trước những thách thức khó khăn và có thể không vượt qua được kỳ bầu cử.

Những vấn đề nghiêm trọng

Sputnik hôm 29/8 bình luận, trong khi tình trạng tham nhũng trong đảng cầm quyền Ukraine diễn ra phổ biến, kinh tế suy giảm và nguy cơ chiến tranh nổ ra ở miền Đông, thì "tương lai chính trị hợp pháp" của "Khối Poroshenko" đang trở nên mờ nhạt hơn.

Tính đến nay, 18 tháng đã trôi qua kể từ cuộc đảo chính ở Ukraine tháng 2/2014 mà giới tinh hoa cầm quyền mới của nước này gọi là "cuộc cách mạng nhân phẩm".

Mặc dù lập trường của chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko vẫn là thân phương Tây và đối đầu với Nga, nhưng những gì chính phủ Kiev làm được để tiến tới mục tiêu này là hết sức hạn chế, Sputnik cho hay.

Trong khi đó, hiện tại Ukraine đang phải đối diện với một thách thức mới, khi người dân nước này sẽ phải quyết định xem giới tinh hoa đang cầm quyền có thực sự "hợp pháp" hay không - điều mà một số báo cáo điều tra đã cho thấy kết quả nghi ngại.

Tham nhũng và suy thoái kinh tế hiện nay đã trở thành mối quan tâm lớn nhất đối với người dân Ukraine, vượt qua những quan ngại về tình hình xung đột ở Donbass, trong khi chính phủ dường như không có giải pháp hiệu quả cho cả 3 vấn đề.

Theo Sputnik, trước đây Ukraine vẫn có thể "giấu" các vấn đề này bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền lòng yêu nước hay những bài hùng biện tuyên bố quốc gia này đang đối đầu với Nga...

Tuy nhiên, niềm tin đối với những tuyên bố của chính phủ Ukraine đang ngày càng suy giảm, và cùng với đó là những phát ngôn "đao to búa lớn" về "chỗ dựa châu Âu".

Chính quyền của ông Poroshenko đang đứng trước thử thách lớn khi lòng tin của người dân Ukraine suy giảm.

Tổn thất "không thể phục hồi"

Nếu như Viktor Yushchenko - người lên nắm quyền sau cuộc Cách mạng Cam 2004 - chọn Moscow là điểm đến đầu tiên trên cương vị Tổng thống Ukraine, thì hành động đầu tiên của giới cầm quyền sau cuộc đảo chính 2014 là bãi bỏ đạo luật thừa nhận "tình trạng khu vực nói tiếng Nga".

Đạo luật bị bãi bỏ bởi Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine). Chủ tịch Quốc hội Oleksandr Turchynov sau đó trở thành quyền Tổng thống Ukraine đã tuyên bố phủ quyết và "không bao giờ ký vào nó".

Hành động này cùng bầu không khí căng thẳng ở Kiev đã dẫn đến sự phản ứng và nổi dậy ở các vùng chủ yếu nói tiếng Nga, đặc biệt là bán đảo Crimea.

90.000 binh sĩ Ukraine đang đứng trước chiến tuyến cuộc xung đột Donbass được ví như một khẩu súng và đến thời điểm nào đó phải được "khai hỏa" để xâm chiếm các nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine.

Sputnik đánh giá, diễn biến ở Donbass "vô cùng dễ dự đoán". Hôm 20/8, đại diện nước CHND Donetsk tự xưng Eduard Basurin đã công khai những thông tin mà phe ly khai khẳng định là "kế hoạch xâm lược của Bộ tổng tham mưu Ukraine bị rò rỉ".

Theo kế hoạch này, quân đội Ukraine sẽ bao vây khu vực Donetsk và Lugansk, trong khi phần còn lại của lực lượng vũ trang được di chuyển về phía Uspenka, gần biên giới với Nga.

Chính phủ Kiev đã phủ quyết nhiều yêu sách đòi "tình trạng đặc biệt" cho các thành phố riêng biệt của nước này.

Một sự kết thúc cho chính phủ đương nhiệm?

Việc củng cố quyền lực của liên minh cầm quyền Ukraine diễn ra sau đại hội của một đảng mới - Nash Kray - với thành viên là các cựu quan chức cấp cao địa phương.

Nhiều người trong số họ ca ngợi đảng Party of the Regions - đảng cầm quyền dưới thời cựu Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych.

Một đảng khác là Batkyvschina của "nữ hoàng khí đốt" Yulia Tymoshenko nhận được tỷ lệ ủng hộ khoảng 10% trong các cuộc thăm dò, nhưng triển vọng tăng trưởng của đảng này không rõ ràng.

Sputnik cho biết, nếu kết quả cuộc bầu cử Ukraine dẫn đến cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhóm thế lực địa phương và quốc gia, thì điều này sẽ dẫn đến một cuộc xung đột có thể đẩy Kiev vào tình trạng vô chính phủ.

Mặc dù Tổng thống Poroshenko đang nỗ lực duy trì chính phủ thông qua cải cách Hiến pháp, song hệ thống quyền lực của ông đang cho thấy những "vết nứt" khá rõ ràng, Sputnik đánh giá.

Hôm thứ Năm tuần trước (27/8), đại bộ phận các nhà lập pháp ở vùng Zaporozhye đã bỏ phiếu thông qua việc cung cấp "tình trạng đặc biệt" cho vùng này, điều mà chính phủ Kiev đã từ chối.

Đây chỉ là một trong những "hạt giống" dẫn tới một cuộc khủng hoảng chính trị, khiến chính phủ của ông Poroshenko không còn quyền hợp pháp, hoặc tệ hơn là không còn đủ sự ủng hộ để giải quyết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại