Ông Obama trúng đòn “đội nhà”

Huệ Bình |

Mặc cho chuyến vận động hiếm thấy đến quốc hội, phe Dân chủ đẩy tham vọng thương mại mà tổng thống Mỹ theo đuổi vào thế hấp hối.

Số phận gói dự luật Quyền thúc đẩy thương mại (TPA) vẫn chưa rõ ràng sau khi một dự luật trong đó - Hỗ trợ điều chỉnh thương mại (TAA) - không được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 12-6 do vấp phải phản đối mạnh mẽ của phe Dân chủ, “người nhà” của Tổng thống Barack Obama.

Chia rẽ sâu sắc

Ngay sau thất bại trên, Hạ viện Mỹ đã tiến hành cuộc bỏ phiếu mang tính biểu tượng - nhưng vô nghĩa - để thông qua dự luật TPA riêng lẻ.

Gói dự luật TPA chỉ có thể được ông Obama ký thành luật nếu hạ viện phê chuẩn cả TAA - nhằm hỗ trợ người lao động Mỹ bị mất việc do ảnh hưởng của các thỏa thuận thương mại quốc tế.

Một cách hết sức bất ngờ, phe Dân chủ đã tự “giết” TAA, vốn được họ ủng hộ suốt 4 thập kỷ qua, để “phá hoại” cả gói TPA.

TPA trao cho ông Obama toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia đối tác.

Với TPA, quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết chứ không được điều chỉnh các điều khoản trong TPP - dự kiến giúp hình thành một khu vực thương mại tự do chiếm tới 30% tổng kim ngạch thương mại và 40% sản lượng kinh tế toàn cầu, đồng thời là một phần quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á của ông Obama.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Hạ viện Mỹ ngày 12-6 để kêu gọi bỏ phiếu ủng hộ TPA  Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Hạ viện Mỹ ngày 12-6 để kêu gọi bỏ phiếu ủng hộ TPA Ảnh: REUTERS

Trong khi hầu hết nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ TPP thì phần lớn nghị sĩ Dân chủ lo ngại TPP chỉ mang lại lợi ích cho các công ty đa quốc gia, còn người lao động trong nước sẽ mất việc do các công ty Mỹ tìm nguồn nhân công giá rẻ ở nước ngoài.

Họ cũng cho rằng TAA không đủ hỗ trợ những người lao động Mỹ lâm vào tình cảnh như thế.

Chỉ vài giờ trước cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Barack Obama đến đồi Capitol với hy vọng vận động các nghị sĩ Dân chủ đổi ý vào phút chót nhưng không ăn thua.

Vài giờ sau cuộc bỏ phiếu, ông tuyên bố: “Tôi yêu cầu hạ viện thông qua TAA không chậm trễ để người lao động trung lưu có cơ hội tham gia và hưởng lợi từ nền kinh tế toàn cầu nhiều hơn”.

Theo The Wall Street Journal, kết quả bỏ phiếu cho thấy ảnh hưởng suy giảm của Tổng thống Obama, người chỉ còn 18 tháng trong nhiệm kỳ thứ hai để cập bến TPP.

Mọi chuyện chưa kết thúc

Gói dự luật TPA chưa hẳn chết yểu bởi phe Cộng hòa tại hạ viện tuyên bố sẽ bỏ phiếu lại đối với TAA vào ngày 16-6 với hy vọng ông Obama có thêm thời gian để thuyết phục các nghị sĩ Dân chủ.

Số phận chương trình nghị sự về thương mại của ông Obama giờ đây phụ thuộc vào Hạ nghị sĩ Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại hạ viện. Bà cho rằng TPA chưa đủ để bảo vệ quyền lợi nhân công Mỹ.

“Chúng ta cần làm chậm tiến trình này để đem quyền lợi tốt nhất cho người dân Mỹ” - bà nói, đồng thời gợi ý rằng nếu TPA được điều chỉnh thì vẫn có khả năng qua ải hạ viện.

Thực ra, nhiều nghị sĩ Dân chủ lo ngại nếu phản đối tiếp, TAA cũng sẽ tiêu tan bởi nó dự kiến hết hạn vào ngày 30-9 tới.

Một khi TAA thất bại lần nữa vào tuần sau, gói dự luật TPA sẽ được đẩy trở về thượng viện để xem xét lại (dù mới được cơ quan này thông qua tháng trước).

Chính phủ Mỹ vẫn lạc quan về khả năng gói dự luật TPA sẽ được hạ viện thông qua. Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest gọi việc TAA bị ách lại chỉ là một sự lộn xộn mang tính thủ tục.

Trong khi đó, phe Cộng hòa ủng hộ TPP quyết tâm tìm mọi cách để thông qua TPA.

“Chúng tôi có rất nhiều cách. Phe Dân chủ cần biết rằng trước sau gì TPA cũng sẽ được thông qua” - nghị sĩ Pete Sessions nói với đài CBS (Mỹ).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại