Theo Reuters, phát biểu ngày 20/10, ông Obama nhấn mạnh cách Đảng Cộng hòa-hiện đang chiếm đa số trong cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ- đề xuất dự luật này cho thấy, họ muốn “né” chương trình cắt giảm ngân sách chi tiêu quốc phòng.
“Tôi sẽ trao trả dự luật này cho Quốc hội và gửi tới họ một thông điệp rằng: Hãy làm cho đúng đi”, ông Obama nói: “Chúng ta đang tranh luận về việc phân bổ ngân sách. Cần phải làm thế nào để phân bổ đủ ngân sách để đảm bảo cả an ninh quốc gia và an ninh kinh tế."
Tổng thống Mỹ cũng cho biết, ông cũng không chấp thuận những thay đổi dự kiến trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) được cho là sẽ giới hạn khả năng ông ra lệnh đóng cửa nhà tù ở vịnh Guantanamo trước khi ông mãn nhiệm vào tháng 1/2017.
“Nhà tù ở Vịnh Guantanamo là cái cớ hàng đầu giúp các nhóm thánh chiến tuyển mộ binh lính của mình”, ông Obama nói: “Giờ là lúc chúng ta đóng cửa nhà tù này. Nhà tù này đã quá lạc hậu và tốn kém. Nó đã tồn tại hàng năm trời.
Chúng ta có thể làm tốt hơn nữa để đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ trong khi đảm bảo rằng chúng ta vẫn theo đuổi được những giá trị của mình”, ông Obama nói.
Việc đóng cửa nhà tù gây tranh cãi này chính là một trong những cam kết chính của ông Obama trong chiến dịch tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ đầu của ông năm 2008.
Liên quan đến dự luật ngân sách quốc phòng, ông Obama và Đảng Dân chủ muốn đạt được một thỏa thuận về ngân sách trong đó phải tính đến việc tăng chi tiêu trong nước thay vì chỉ chăm chăm tập trung vào việc chi thêm tiền cho Lầu Năm Góc.
Trong khi đó, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho rằng, quân đội cần phải được coi là ngoại lệ trong trường hợp phải cắt giảm chi tiêu ngân sách để đảm bảo an ninh quốc gia.
Đảng Cộng hòa cho rằng, Đảng Dân chủ cố tình nêu việc này ra để “che đậy” mong muốn chi tiêu “vô tội vạ” của mình.
“Bằng việc tập trung vào chính trị trong nước thay vì chú trọng đến tăng cường sức mạnh quân đội, Tổng thống Obama đang đẩy an ninh quốc gia vào tình thế nguy hiểm”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner tuyên bố.
Đảng Cộng hòa cũng cam kết sẽ vượt qua được lần phủ quyết này của Tổng thống Obama bằng việc đạt được sự chấp thuận của 2/3 các nghị sĩ ở cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi khẳng định sẽ đảm bảo quyền phủ quyết của Tổng thống được tôn trọng.
Theo quy định của Quốc hội Mỹ, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về quyền phủ quyết của Tổng thống trước khi Thượng viện làm điều này. Việc bỏ phiếu tại Hạ viện dự kiến sẽ diễn ra ngày 5/11.
Mặc dù vậy, các nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng thừa nhận, một NDAA tốt hơn sẽ dễ dàng được thông qua trong trường hợp Tổng thống vẫn bảo lưu quyền phủ quyết của mình.
“Tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể hợp tác để thông qua được một NDAA cân bằng và có trách nhiệm hơn nhằm cung cấp nguồn lực và sự ổn định cần thiết cho quân đội”, Nghị sĩ Jack Reed, người đứng đầu Đảng Dân chủ tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cho biết./.