Obama đổ thêm dầu vào lửa, đẩy đồng minh vào "cơn ác mộng"

Đức Huy |

Theo WSJ, trong khi Tổng thống Obama hi vọng thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ nâng tầm hình ảnh một "sứ giả hòa bình" của ông, Trung Đông sẽ phải hứng chịu hậu quả hiện tại.

Trước mắt, theo Wall Street Journal, hậu quả của thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ là tình trạng bạo lực ngày một leo thang tại Trung Đông. Trong đó, mối đe dọa an ninh sẽ gia tăng với Ả Rập Xê-út và Israel, hai đồng minh của Mỹ tại khu vực này.

Là kình địch lâu năm, nhưng Israel và Ả Rập Xê-út gần đây đã hợp tác cùng nhau để phản đối kịch liệt tiến trình đàm phán đi tới thỏa thuận hạt nhân của Mỹ với Iran. Với Israel, lo ngại duy nhất vẫn là tên lửa hạt nhân của Iran.

Còn điều khiến Ả Rập Xê-út "mất ăn mất ngủ" không hẳn là việc phát triển hạt nhân trong tương lai của Iran, mà họ lo rằng thỏa thuận này sẽ nâng cao tầm vóc của Tehran tại Trung Đông cũng như mở đường cho chính phủ nước này lợi dụng giao tranh giáo phái khu vực.

"Ác mộng đã tới" với Ả Rập Xê-út

Nhà báo Karen House đã phải cảm khái như vậy trong bài viết của mình trên WSJ. Mối đe dọa trực tiếp tới Ả Rập Xê-út nghiêm trọng hơn nhiều so với Israel, quốc gia vốn đang sở hữu vũ khí hạt nhân và luôn có Mỹ "chống lưng" khi cần.

Hơn nữa, người Sunni tại Ả Rập Xê-út, chứ không phải người Do Thái ở Israel, mới là đối thủ truyền kiếp của người Shiite Iran trong cuộc chiến giành quyền thống trị khu vực Trung Đông.

Theo nội dung thỏa thuận được kí kết hôm 14/7, từ giờ tới cuối năm Iran dự kiến sẽ nhận lại 100 tỉ USD tài sản trước đó đã bị phong tỏa.

Điều này, cộng với quyết định hết sức khó hiểu của Mỹ khi gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí thông thường và tên lửa đạn đạo cho Iran, đồng nghĩa với việc Tehran có thể sử dụng khoản tiền trên vào bất kì mục đích gì họ muốn.

Nói cách khác, Iran hoàn toàn có thể sẽ không dùng 100 tỉ USD này để phát triển kinh tế như đã hứa trên bàn đàm phán, mà thay vào đó sẽ trang bị cho các đối tượng nguy hiểm trong khu vực như Shiite tại Iraq, chính phủ Syria, Hezbollah ở Li-băng, hay Houthi ở Yemen.

Một Iran hợm hĩnh tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực sẽ đặt Ả Rập Xê-út vào tầm ngắm, không chỉ của chính Iran mà cả Nhà nước Hồi giáo (IS). Các lực lượng Shiite có Iran chống lưng sẽ được thể tiếp tục "làm loạn" tại các nước Trung Đông để phục vụ lợi ích của Tehran.

Sự bành trướng của Iran và IS cũng đồng nghĩa với những mối đe dọa ngày một gia tăng bên trọng nội bộ Ả Rập Xê-út.

Khoảng 60% dân số nước này dưới 30 tuổi, và tỉ lệ thất nghiệp trong số họ vào khoảng 30%. Tuy chính phủ Riyadh đã phi pháp hóa việc gia nhập IS, nhưng Bộ Nội vụ nước này mới đây vẫn thừa nhận đã có khoảng 2.200 thanh niên Ả Rập Xê-út sang Syria "thánh chiến".

Không lối thoát

Nghiêm trọng hơn cho Ả Rập Xê-út, họ không có nhiều biện pháp đối phó. Sau khi xác định không thể thuyết phục đồng minh Mỹ, Riyadh đã tìm đến Trung Quốc và Nga, nhưng cả hai chuyến đi đều chưa đem lại kết quả nào cụ thể.

Ả Rập Xê-út đã tìm đến sự bảo trợ từ Nga. Ảnh: Reuters
Ả Rập Xê-út đã tìm đến sự bảo trợ từ Nga. Ảnh: Reuters

Trước tình hình này, Ả Rập Xê-út có hai lựa chọn: về kinh tế, họ có thể gia tăng xuất khẩu dầu để gây áp lực lên kinh tế Iran. Trong tháng này, Ả Rập Xê-út đã sản xuất 10,6 triệu thùng dầu/ngày, sản lượng cao kỉ lục.

Lựa chọn thứ hai về mặt quân sự cho Ả Rập Xê-út đó là tự kiếm lấy vũ khí hạt nhân càng sớm càng tốt. Hoàng tử Turki al Faisal, cựu Giám đốc Tình báo nước này, từng tuyên bố rằng "bất kì thứ gì Iran có, chúng ta cũng phải có".

Bản thân Ả Rập Xê-út không có đủ trình độ kĩ thuật để tự phát triển chương trình hạt nhân của riêng mình, và nhiều khả năng sẽ phải nhờ đến Pakistan. Tuy nhiên, với cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân của mình, Pakistan có lẽ sẽ không mấy mặn mà với đề nghị này.

Tóm lại, trong khi Tehran "mở cờ trong bụng", khi các nước châu Âu đang chờ đợi được "làm kinh doanh" với Iran, khi Obama và các cộng sự ăn mừng ở Nhà Trắng, thì đồng minh Ả Rập Xê-út của họ lại phải đứng trước một viễn cảnh "ác mộng" không lối thoát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại