Ở Ukraine, phương Tây xem Crimea quan trọng hơn Donbass

Huỳnh Linh |

Chúng ta thường nghĩ Donbass quan trọng hơn Crimea, mục đích duy nhất của lãnh đạo thế giới là đem lại hòa bình và có thể bỏ qua Crimea nếu Moscow đồng ý rút lui. Liệu những điều này có thực sự đúng?

Tờ Ukrayinska Pravda của Ukraine đã đăng một bài viết có tựa đề "Tại sao với thế giới, Crimea lại quan trọng hơn Donbass", phân tích khá rõ tầm quan trọng của vấn đề Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3 năm ngoái.

 

Đúng là Donbass đã đẩy Crimea ra ngoài tầm chú ý của mọi người. Đó là lẽ tất nhiên: Ngày nào miền đông Ukraine cũng diễn ra giao tranh và cũng có người thiệt mạng. Nhưng xét tổng thể, với Brussels và Washington, số phận của Crimea lại quan trọng hơn.

Chuyện một quốc gia tạo xung đột, chi phối lên các vùng lãnh thổ khác không phải là điều mới mẻ. Nếu xoay một vòng Trái Đất, ở bất cứ châu lục nào ta cũng có thể tìm thấy dấu vết xung đột mà con người gây ra.

Thường thì nguyên nhân những xung đột đó cũng giống với những gì đang diễn ra ở Donbass: nỗi lo tuột mất nước láng giềng khỏi phạm vi ảnh hưởng của mình.

"Lối mòn Nam Tư"

Donbass khá giống với một sự kiện lịch sử khác là xung đột Bosnia. Nói đơn giản, ông Vladimir Putin đóng vai Slobodan Milosevic, lãnh đạo ly khai Zakharchenko và Plotnitsky là Ratko Mladic và Karadzic Radavan, Nga là Serbia còn Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk là Cộng hòa Serbia.

Năm 1991, nước Nam Tư thống nhất tuyên bố thành lập, ban đầu bao gồm Slovenia và Croatia, sau đó có thêm Bosnia và Herzegovina.

Người dân ở đây chia thành 3 nhóm: người Hồi giáo Bosnia (44%), Chính thống giáo Serbia (33%) và Thiên chúa giáo Croatia (17%). Với sự giúp đỡ của người Serbia ở Bosnia, Cộng hòa Serbia đã được thành lập.

Khi chiến sự bắt đầu, chính quyền cựu Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic đã cung ứng vũ khí và đạn dược qua biên giới. Trong vòng 3 năm rưỡi diễn ra xung đột, số người thiệt mạng đã lên đến trăm nghìn.

Từ trái sang phải: Тổng thống Serbia Slobodan Milosevic, Tổng thống Bosnia Alija Izetbegovic và Tổng thống Croatia Franjo Tudjman cùng ký kết thỏa thuận hòa bình sau 21 ngày đàm phán ở Dayton, Ohio (Mỹ).

Từ trái sang phải: Тổng thống Serbia Slobodan Milosevic, Tổng thống Bosnia Alija Izetbegovic và Tổng thống Croatia Franjo Tudjman cùng ký kết thỏa thuận hòa bình sau 21 ngày đàm phán ở Dayton, Ohio (Mỹ).

Cuộc chiến đó vừa khiến Sarajevo bị bao vây, kìm kẹp nhiều năm; vừa có các cuộc thanh lọc sắc tộc như ở Srebrenica khiến 8.000 người Bosnia vô tội thiệt mạng; và vừa có cả các trại tập trung như trại Celebici.

Cuộc thảm sát hậu chiến lớn nhất châu Âu này chỉ kết thúc năm 1995, khi Hòa ước Dayton (hay Nghị định thư Paris) được ký kết ở Dayton, Ohio (Mỹ).

So với chiến tranh ở Bosnia và Herzegovina, cuộc chiến Donbass về cơ bản không có gì mới mẻ. Dù có vẻ không tồi đến vậy, nhưng số người thiệt mạng cũng đã tương đương nhau.

Đó là sự tái diễn kịch bản xuất khẩu chiến tranh cũ dựa trên thuyết ‘phục hồi lãnh thổ’. Đối với các nhà ngoại giao phương Tây, cuộc xung đột này không có gì đặc biệt, vì thế giới đã gặp điều tương tự và có thể phần nào hiểu rõ cách đối phó.

Chính vì thế, về lâu về dài, vấn đề Crimea quan trọng hơn Donbass.

Trường hợp của Crimea chưa có bất cứ sự kiện nào của thế giới thời hậu chiến để đem ra so sánh. Và những gì diễn ra trên bán đảo này, dù không có người chết, nhưng đối với hòa bình vẫn phần nào nguy hiểm hơn Donbass.

Những điển hình đáng lo ngại:

Sau đây là những 'tấm gương' điển mình mà tờ Ukrayinska Pravda viện dẫn

1. Không phải ngẫu nhiên sáp nhập lại là một trong những điều vi phạm luật quốc tế nghiêm trọng nhất. Theo định nghĩa của từ điển, sáp nhập là đơn phương thống nhất một phần lãnh thổ của quốc gia khác vào quốc gia mình.

Nếu tháng 3/2014 Nga quyết định thừa nhận Crimea là một “quốc gia độc lập” thì đã không tồn tại các trừng phạt như bây giờ.

Đó chính là điểm khác biệt cơ bản giữa Kosovo và Crimea. Chẳng ai đồng ý để Kosovo sáp nhập vào Albania. Năm 2008, Kosovo đã tuyên bố độc lập.

Không ai xóa đi ranh giới cũ mà chỉ có thể vẽ thêm vào bản đồ chính trị thế giới.

 Quân đội Đức tiến vào vùng lãnh thổ mới sáp nhập Sudetenland ngày 9/10/1938.

 Quân đội Đức tiến vào vùng lãnh thổ mới sáp nhập Sudetenland ngày 9/10/1938.

2. Bất cứ sự sáp nhập nào cũng khiến cả Tây bán cầu liên hợp lại như những gì đã xảy ra năm 1938.

Tháng 10/1938, Đức đã sáp nhập vùng Sudetenland của Cộng hòa Séc, nơi có tới 90% người Đức sinh sống. Người truyền bá lợi ích của người Đức ở khu vực này là đảng người Đức Sudeten do Konrad Henlein lãnh đạo.

Trước khi sáp nhập, đảng này đã nói rằng nhân dân Đức phải chịu áp bức từ số đông người Séc gốc Slav trong khu vực. Hơn nữa, cả việc có đại diện người Đức Sudeten trong Quốc hội hay giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ cũng không thay đổi được những luận điệu của họ.

Anh và Pháp đã đồng ý với đòi hỏi của Đức, không dám tham chiến. Sau khi ký kết Hiệp định Munich về việc phân lại Séc, Thủ tướng Anh Neville Chamberlain bay tới London và tuyên bố “đã đem hòa bình đến cho thế hệ hiện nay”.

Thủ tướng Winston Churchill kế nhiệm ông Chamberlain khi đó nói rằng: “Bạn phải lựa chọn giữa chiến tranh và điều ô nhục. Chúng ta đã chọn điều còn lại, và chắc chắn sẽ nhận lấy chiến tranh”. Quả thực, chưa đầy một năm sau, Chiến tranh thế giới thứ 2 đã xảy ra.

Mọi so sánh trên trong lịch sử đều đã quá rõ để kết luận rằng chúng ta có thể tránh được điều đó. Phương Tây đã từng cố lờ đi đòi hỏi về lãnh thổ nào đó và đã phải trả giá tương đối cao.

Chính vì lý do đó, sau Chiến tranh thế giới thứ 2, việc sáp nhập đã bị coi là một trong những điều vi phạm luật quốc tế nghiêm trọng nhất. Và cũng vì thế, các tiền lệ tương tự chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

‘Chiếc hộp Pandora’ và danh sách đầy đủ

1. Tháng 12/1961, quân đội Ấn Độ đã chiếm lại thuộc địa Goa của Bồ Đào Nha và tuyên bố “thống nhất lãnh thổ”.

Chính Bồ Đào Nha cũng đã thừa nhận chủ quyền của Ấn Độ ở vùng này sau 1974. Năm 1975, quân đội Ấn Độ lại tiếp tục chiếm vùng kế bên là Sikkim. Ở đó đã tiến hành trưng cầu dân ý, với 59% cử tri đi bầu tán thành sáp nhập vào Ấn Độ.

Biểu tình đòi độc lập ở Đông Timor, đòi tách khỏi Indonesia.

Biểu tình đòi độc lập ở Đông Timor, đòi tách khỏi Indonesia.

2. Ngày 28/11/1975, Đông Timor (một thuộc địa khác của Bồ Đào Nha) đã công bố bản tuyên ngôn độc lập. Nhưng sau 9 ngày, đất nước này đã bị quân đội Indonesia xâm lược và sáp nhập thành tỉnh thứ 27 của Indonesia.

Sau 27 năm, số người chết đã lên khoảng 100.000-250.000 người (trong khi dân số ở đây lúc đó có khoảng 600.000 người) và đa số đó là dân tị nạn.

Năm 1999, dưới sức ép của Liên Hợp Quốc, Đông Timor đã tiến hành trưng cầu dân ý về quyền tự quyết. Kết quả là có 78,5% người dân mong muốn độc lập.

Việc này đã dẫn đến một bùng phát bạo lực mới, đòi hỏi sự tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Ngày 20/5/2002, thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha đã chính thức được thừa nhận là một quốc gia độc lập.

3. Năm 1967, trong Chiến tranh sáu ngày (Chiến tranh Ả Rập-Israel), quân đội Israel đã chiếm được Cao nguyên Golan từ tay Syria. Năm 1981, Quốc hội Israel đơn phương tuyên bố chủ quyền ở vùng lãnh thổ này.

Liên Hợp Quốc không thừa nhận hành động đó, và cũng phản đối việc sáp nhập khác của Israel - khu vực Đông Jerusalem mà họ chiếm đóng trong Chiến tranh sáu ngày.

Đến nay, Đông Jerusalem vẫn là một trong những đề tài xung đột chính giữa Israel và Palestine.

4. Năm 1982, Argentina cố gắng thiết lập kiểm soát bằng con đường chiến tranh với Quần đảo Falkland từng thuộc về họ. Anh đã gửi hạm đội hải quân và lực lượng đặc nhiệm đến khu vực này, và sau nhiều trận đánh họ đã chiến thắng quân đội Argentina.

5. Tháng 8/1990, Iraq âm mưu sáp nhập nước láng giềng Kuwait. Ngày 2/8, tiểu vương quốc này đã bị xâm chiếm. Đến ngày 7/8, chính phủ bù nhìn tuyên bố nước “Cộng hòa Kuwait” độc lập và đề nghị sáp nhập thành một phần của Iraq.

Ngày 28/8, Kuwait trở thành tỉnh thứ 19 của Iraq dưới tên Al-Saddam. Liên minh chống Iraq, Chiến dịch Bão táp Sa mạc (Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991) đã kết thúc việc này và giải phóng Kuwait.

Kết luận

 Người biểu tình tại Moscow mang theo cờ Nga và Ukraine, phản đối chính sách của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine ngày 15/3/2014.

 Người biểu tình tại Moscow mang theo cờ Nga và Ukraine, phản đối chính sách của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine ngày 15/3/2014.

Có ý kiến cho rằng, 5 tiền lệ thời hậu chiến kể trên là nhiều. Mặc dù trên thực tế, danh sách này có thể phần nào dài hơn, và rất khó để kể hết những lần sáp nhập không thành công do địa chấn ngoại giao ở cường độ lớn.

Crimea đã trở thành tiền lệ thứ 6 trong lịch sử thế giới thời hậu chiến, và cũng là vụ sáp nhập đầu tiên diễn ra ở châu Âu.

Nếu nhắm mắt làm ngơ, mọi chuyện tồi tệ đều có thể xảy ra: Có thể chia lại ranh giới bằng quyền lực, luật pháp quốc tế cũng chẳng được coi trọng, mà chỉ cần tư tưởng của người dân đã có được điều kiện đủ để đơn phương vẽ lại bản đồ chính trị.

Thế giới đã có không ít các cuộc xung đột đóng băng, và nếu cho phép dùng quyền lực để xem xét lại ranh giới trong trường hợp của Crimea thì tình hình hoàn toàn có thể nóng hơn nữa. Đã có một lần thế giới nhắm mắt trước chuyện này, và cái giá phải trả không hề rẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại