Ở Syria, điềm tĩnh như Obama mới thật sự là khôn ngoan

Đức Huy |

Phân tích tình hình Syria hiện nay, "mốt" là chỉ trích Obama, ngợi ca Putin. Nhưng nếu nhìn địa chính trị theo kiểu "cuốn theo chiều gió" như vậy chắc chắn sẽ bỏ sót nhiều điều.

Chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama vì cách tiếp cận "thiếu quyết đoán" của ông tại Syria nói riêng và Trung Đông nói chung từ lâu đã trở thành trào lưu trong giới báo chí, và ngày càng trở nên rõ nét sau khi Nga, địch thủ địa chính trị số một của Mỹ, quyết định "nhúng tay" vào Syria.

Từ Washington Post đến New York Times, từ Foreign Policy đến National Interest, những hàng tít theo kiểu "Putin đã vượt mặt Obama tại Syria" xuất hiện tràn ngập. Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng không tiếc lời chỉ trích Obama, ngợi ca Putin.

Ông Putin hành động tại Syria, tận dụng sự thiếu quyết đoán của Mỹ. Những dòng tít kiểu này đã xuất hiện rất nhiều trên báo chí trong thời gian qua.
"Ông Putin hành động tại Syria, tận dụng sự thiếu quyết đoán của Mỹ". Những dòng tít kiểu này đã xuất hiện rất nhiều trên báo chí trong thời gian qua.

Ngay cả một quan chức nội các Mỹ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, cũng "nói xấu" Tổng thống Mỹ trong bản hồi kí của mình. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, một đồng minh thân cận của ông Obama, cũng khẳng định chính sách Trung Đông của Mỹ là một "thất bại".

Nhưng trào lưu không phải lúc nào cũng đúng.

Góc nhìn của Tổng thống Mỹ

Với Nga, vấn đề Syria đơn giản hơn rất nhiều. Trong cách tiếp cận của Moscow chỉ có 2 phe: chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad và những kẻ chống lại chính phủ al-Assad. Việc Nga can thiệp chỉ phụ thuộc vào vấn đề thời gian và mức độ mà họ muốn hỗ trợ al-Assad.

Nhưng hãy thử tiếp cận vấn đề Syria từ góc nhìn của Tổng thống Mỹ. Theo phân tích của tạp chí Lowy Interpreter, những người chỉ trích Obama thường chỉ biết nói theo trào lưu mà bỏ qua hai vấn đề mang tính cốt lõi.

Thứ nhất, họ không đưa ra bất kì một chính sách nào thay thế. Gần đây, ông Obama dường như quá mệt mỏi với những lời chỉ trích nên đã phản pháo.

"Tôi thường nghe các vị đưa ra những ý tưởng nửa vời và coi chúng như cách giải quyết mà bỏ qua sự phức tạp của vấn đề. Tôi muốn các vị nói rõ, chính xác, cụ thể, rằng nếu các vị ở cương vị của tôi thì các vị sẽ làm gì, sẽ chi ngân sách ra sao, và bảo vệ nó như thế nào.

Thường thì khi đi vào chi tiết như vậy, những gì tôi nghe được từ các vị chỉ là những lời vô nghĩa" - ông Obama phát biểu.

Ông Panetta từng nói rằng Washington đáng ra nên trang bị vũ khí cho các phần tử "nổi loạn có kiểm soát" (moderate rebels), nhưng tiêu chuẩn thế nào mới được gọi là "nổi loạn có kiểm soát"? Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không hề nói rõ.

Trang bị vũ khí cho quân nổi dậy có thực sự là chìa khóa mở ra lối thoát cho Syria? Ảnh: Reuters
Trang bị vũ khí cho quân nổi dậy có thực sự là chìa khóa mở ra lối thoát cho Syria? Ảnh: Reuters

Một ví dụ khác là Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner. Ông Boehner thậm chí đã nhắc đến việc Mỹ cần điều động quân đội trực tiếp đến Syria, nhưng cụ thể là bao nhiêu quân và điều động như vậy giải quyết được vấn đề gì thì ông không hề đả động tới.

Trước đây, ông Obama đã nhiều lần nhắc đến tình hình phức tạp đến mức khó cứu vãn tại Syria, trong đó một phương án giải quyết tối ưu không hề tồn tại.

Còn nhớ, trong một cuộc phỏng vấn chi tiết với New York Times năm 2014, phóng viên đã hỏi Tổng thống Obama rằng liệu ông có bị "ám ảnh" bởi tình hình tại Syria bấy giờ hay không. Câu trả lời của Obama khi đó đã nói lên nhiều điều:

"Tôi không bị ám ảnh bởi quyết định từ chối không nhúng sâu vào một cuộc chiến khác tại Trung Đông.

Thật khó để tưởng tượng một viễn cảnh mà sự can thiệp của Mỹ tại Syria sẽ dẫn đến kết quả có lợi, trừ phi chúng ta một lần nữa lại muốn bỏ ra lượng công sức và tiền bạc như những gì đã làm tại Iraq.

Do đó, khi tôi nghe người ta gợi ý rằng nếu chúng ta trang bị vũ khí và hỗ trợ tài chính cho lực lượng chống chính phủ sớm hơn, al-Assad có thể đã bị lật đổ và Syria đã trải qua một giai đoạn chuyển giao yên bình, tôi chỉ biết nói rằng nghĩ như vậy thật quá ngây thơ".

Thêm vào đó, có rất nhiều thế lực khác cũng không giấu giếm ý định giành một phần "miếng bánh" Syria về tay mình, mà Washington thì rõ ràng không thể kiểm soát tất cả. Còn với những người khăng khăng cho rằng hậu thuẫn quân nổi dậy là "chìa khóa", ông Obama phản bác rằng:

"Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, tôi đã nhờ CIA đánh giá những trường hợp trước đây khi Mỹ trang bị vũ khí và hỗ trợ tài chính cho lực lượng chống chính phủ tại một quốc gia nhất định mà dẫn đến thành công. Kết quả là họ chẳng tìm được gì mấy.

Chúng tôi đã tiếp cận vấn đề Syria dưới mọi góc độ. Và vấn đề lớn nhất đã, đang, và sẽ là việc một bên chúng ta có một chính phủ độc tài, và bên kia là các phe đối lập vô tổ chức, lạc hậu, không bài bản, mà lại hay đấu đá lẫn nhau vì khác biệt các nhánh tôn giáo

Trong bối cảnh này, cách tốt nhất để đi đến một kết quả chấp nhận được đó là cùng lúc làm việc với các nước muốn bảo trợ cho al-Assad như Nga và Iran, cũng như làm việc với các phe ủng hộ lực lượng nổi dậy để tránh việc biến họ thành một tổ chức cực đoan.

Ông Obama không muốn đi vào vết xe đổ tại Afghanistan, với việc trang bị vũ khí cho mujahideen. Ảnh: WikiMedia
Ông Obama không muốn đi vào vết xe đổ tại Afghanistan, với việc trang bị vũ khí cho mujahideen. Ảnh: WikiMedia

Obama mới là người khôn ngoan?

Nói như vậy không phải để bênh ông Obama. Sẽ đúng hơn nếu nói rằng chiến lược của Tổng thống Mỹ là hợp lý, nhưng cách thực hiện thì vẫn còn tương đối yếu kém.

Trong đó, theo Lowy Interpreter, sai lầm lớn nhất của ông Obama là việc sử dụng cụm từ "ranh giới đỏ" (red line) dọa sẽ không kích đáp trả nếu al-Assad sử dụng vũ khí hóa học, để rồi sau đó không làm được như những gì ông nói, gây mất lòng tin trong khu vực.

Ngay chính đồng minh Israel của Mỹ cũng đã cho thấy sự hiệu quả của các cuộc không kích quy mô nhỏ trong việc gửi một thông điệp với Damascus mà không nhúng tay quá sâu vào tình hình Syria.

Một sai lầm chiến lược nữa của ông Obama là sự hời hợt trong việc trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy, dù chính Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận làm như vậy không đem lại mấy hiệu quả.

Dù đã thừa nhận như vậy, Mỹ lại vẫn muốn tạo ra một lực lượng phi tôn giáo chống lại IS, và kế hoạch này đã thất bại thảm hại. Có thể lý giải rằng ông Obama không muốn làm quá vì ngại sẽ "đánh động" các đối tác khác trong khu vực như Thổ Nhĩ Kì, Qatar, hay Saudi Arabia.

Nhưng vì được hỗ trợ quá hời hợt và quân số quả mỏng, những lực lượng "nổi loạn có tổ chức" do Mỹ hậu thuẫn đã nhanh chóng bị IS đè bẹp. Vì điều này mà ông Obama cũng đã bị chỉ trích rất nhiều trong thời gian qua.

Phải công nhận một điều rằng Tổng thống Mỹ đã phải chịu rất nhiều sức ép để "làm một cái gì đó" tại Syria, nhưng ông đã đúng khi khẳng định rằng dù chỉ để bắt đầu tiến trình lập lại trật tự tại Syria hiện nay thôi cũng đã cần một sự can thiệp quá sâu mà Mỹ không hề muốn.

Ngay cả giả dụ Mỹ có quyết tâm làm như vậy, thì cũng chẳng lấy gì để đảm bảo rằng những cuộc không kích, những binh đoàn của Mỹ, hay những lực lượng "nổi dậy có kiểm soát" sẽ giải quyết được những vấn đề cốt lõi trong cuộc nội chiến tại Syria.

Khi không nắm đằng chuôi, thật khó để có thể kiểm soát được tình hình. Do đó, dù phải nói rằng Washington đã có những sai lầm, nhưng nhìn chung chiến lược tránh can thiệp sâu vào Syria của ông Obama là một bước đi điềm tĩnh, đúng đắn.

Đối với một cường quốc như Mỹ, phải áp dụng chiến lược này đương nhiên sẽ không thể khiến các phần tử diều hâu cảm thấy hài lòng. Nhưng khi mọi cách tiếp cận khác đều là hạ sách, thì án binh bất động có thể coi là nước cờ khôn ngoan nhất vào thời điểm này.

Và ông Obama đã chọn làm như vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại