Đưa ra đề nghị khó hiểu với Nga, Mỹ để lộ điểm yếu tại Syria

Đức Huy |

Phía Nga cho rằng, việc Mỹ vẫn coi các lực lượng nổi dậy có dính líu tới al-Nusra là "ôn hòa" đã cho thấy điểm yếu của Washington tại Syria, Sputnik đưa tin.

Mới đây, thay vì kêu gọi Nga dừng không kích Mặt trận al-Nusra như trước đó, Mỹ đã chuyển sang đề nghị Moscow chỉ không kích tổ chức khủng bố này, và tránh nhắm vào các lực lượng nổi dậy "ôn hòa".

Nghe qua thì có vẻ như Washington đã quay ngoắt 180 độ, nhưng về mặt bản chất, hai lời đề nghị này cũng chỉ là một.

Sở dĩ nói vậy là bởi, lý do duy nhất khiến Mỹ không muốn Nga không kích al-Nusra từ đầu là vì Washington lo ngại các lực lượng nổi dậy "ôn hòa" sẽ bị liên lụy, bởi có rất nhiều nhóm nổi dậy đang bắt tay cùng tổ chức khủng bố này.

Nhưng theo phía Nga, đề nghị của Mỹ không hợp lý một chút nào, bởi có rất nhiều tay súng nổi dậy đang sử dụng vỏ bọc al-Nusra để phá vỡ lệnh ngừng bắn, tấn công quân chính phủ Bashar al-Assad cũng như dân thường Syria.

Nói cách khác, Moscow cho rằng bất kì lực lượng nào bắt tay cùng al-Nusra, dù là ngắn hạn hay dài hạn, thì cũng không thể coi là "ôn hòa" được.

"Chính phủ Obama vẫn cứ theo đuổi một viễn cảnh ảo tưởng rằng có những lực lượng nổi dậy ôn hòa, quyết tâm thiết lập một tương lai đa sắc tộc, đa văn hóa, phi tôn giáo và dân chủ tại Syria ngay sau khi đánh đuổi được Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và chính phủ Assad" - Daniel McAdams, Giám đốc Viện nghiên cứu Hòa bình Thịnh vượng Ron Paul, nhận định đầy mỉa mai.

Hôm 3/6 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi Mỹ thuyết phục các nhóm nổi dậy do họ hậu thuẫn rời khỏi các cứ điểm của al-Nusra, để máy bay Nga dễ bề phân biệt và công kích đúng mục tiêu cần thiết.

Nhưng thực ra Nga-Mỹ đã thỏa thuận như vậy từ... tháng 2, nhưng vẫn chưa được cụ thể hóa bằng hành động, qua đó làm chậm tiến trình loại bỏ khủng bố.

Đưa ra đề nghị khó hiểu với Nga, Mỹ để lộ điểm yếu tại Syria - Ảnh 1.

Trên Twitter, Bộ Ngoại giao Nga thể hiện thái độ bất bình trước việc Mỹ trì hoãn không thực hiện thỏa thuận từ tháng 2 về việc kêu gọi các lực lượng nổi dậy tách khỏi al-Nusra.

Đáng chú ý ở chỗ, cả Moscow lẫn Washington đều liệt al-Nusra vào danh sách khủng bố. Nếu vậy thì việc Mỹ thuyết phục các lực lượng nổi dậy do họ hậu thuẫn tách khỏi tổ chức này đâu có gì khó?

Và chính câu trả lời cho việc Mỹ chần chừ không thực hiện thỏa thuận nói trên với Nga đã vô tình để lộ "gót chân Achilles" của Washington tại Syria: các lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn quá phụ thuộc vào al-Nusra.

Theo báo Mỹ The Daily Beast, việc các lực lượng nổi dậy tại Syria phụ thuộc vào năng lực chiến đấu vượt trội của al-Nusra cũng không có gì mới.

Các quan chức Mỹ cũng hiểu điều đó, và một số nhấn mạnh rằng phe nổi dậy và al-Nusra hợp tác không phải vì chung mục đích khủng bố, mà đó chỉ là cái bắt tay theo kiểu "thời thế thế thời phải thế".

Nhưng Nga khẳng định, không có lý do gì có thể bào chữa cho việc giết hại dân thường. Hồi tháng 5, al-Nusra cùng với Ahrar al-Sham, một nhóm nổi dậy mà Mỹ cho là "ôn hòa", đã cướp đi sinh mạng 19 người dân thường Syria trong một đợt công kích nhắm vào Zara, thuộc tỉnh Hama.

Trong khi đó, nhờ sự bảo vệ "bất đắc dĩ" của Mỹ và lệnh ngừng bắn, al-Nusra đã chỉnh đốn lại hàng ngũ và trang bị khí tài chiến đấu.

Trong vài ngày qua, tổ chức này đã liên tục tiến hành công kích ở nhiều cứ điểm tại Aleppo, thành phố lớn thứ hai Syria, cũng như tại Ard al-Wata, Rasha, và Kinsibba thuộc tỉnh Latakia, Tesnin thuộc tỉnh Homs, Marj al-Sultan thuộc Damascus, và khu vực al-Manshiya thuộc tỉnh Daraa.

Hậu quả là hơn 270 dân thường Syria đã thiệt mạng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại