Theo báo Nga Izvestia, trong chuyến thăm Nga ngày 10/5 tới, bà Merkel còn có kế hoạch gặp gỡ với các nhân vật khác nữa, ngoài Putin - đó là đại diện các phe đối lập Nga.
Ngày giờ và địa điểm của cuộc gặp đang được thảo luận để đi tới thống nhất. Izvestia dẫn một nguồn tin thân cận với các lãnh đạo đối lập cho hay, dự kiến cuộc gặp có thể diễn ra vào ngày 11/5 nếu bà Merkel nán lại ở Moscow 2 ngày.
Izvestia dẫn nguồn tin thân cận với phe đối lập cho biết, hôm 30/4, các đại diện đối lập Nga đã họp bàn về cuộc gặp với bà Merkel.
Họ đã nêu ra một loạt các vấn đề dự định sẽ thảo luận với thủ tướng Đức, trong đó có việc đề nghị bà Merkel tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga - điều mà Putin và chính phủ Moscow liên tục lên án.
“Chúng tôi sẽ yêu cầu không bãi bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga. Đúng, điều này sẽ khiến kinh tế Nga bất ổn, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, đó là một trong những phương thức để thay đổi quyền lực.
Chúng tôi cũng cho rằng, cần phải tăng thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào cả những đối tượng cụ thể ở Nga. Không thể giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với Nga như nhiều nước EU yêu cầu".
Cũng theo nguồn này, những ứng cử viên “sáng giá” tham dự cuộc gặp với bà Angela Merkel đã được xác định.
Các đại diện của những đảng phái chính trị đối lập khác của Nga từ chối bình luận về cuộc gặp này.
Về phần mình, phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc hội về các vấn đề quốc tế, ông Leonid Kalashnikov cho rằng, khi lên kế hoạch gặp gỡ với phe đối lập ở Nga, Thủ tướng Đức muốn chứng tỏ với Mỹ rằng Đức nói là làm.
Chuyên gia nghiên cứu chính trị Alexei Mukhin cho rằng, phe đối lập sẽ cố gắng bày tỏ với bà Merkel. những bất đồng của họ đối với chính quyền hiện nay.
Thủ tướng Đức “sẽ lắng nghe và thấu hiểu, có khi còn gật gù”, nhưng phe đối lập Nga cũng không nên trông đợi nhiều vào sự giúp đỡ từ phía Đức.
Theo Izvestia, các chuyên gia cùng chung quan điểm rằng, cuộc gặp này sẽ mang hình thái một cuộc lựa chọn Klichko của Nga.
Nghĩa là, phương Tây đang cố gắng xây dựng ở Nga một nhân vật giống như Vitaly Klichko (cựu vận động viên quyền anh, thị trưởng Kiev), người có thể phối hợp với phe chủ nghĩa dân tộc và các doanh nhân máu mặt tổ chức một cuộc cách mạng cam ở Nga.
Các đại diện của phe đối lập Nga từ lâu đã có mối quan hệ mật thiết với nước ngoài. Một đoạn video năm 2012 ghi lại hình ảnh cuộc gặp giữa nhiều đại diện đối lập Nga và Đại sứ Mỹ ở Nga Michael McFaul và thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Berns tại Moscow.
Năm 2014, khi ông John Tefft nhậm chức Đại sứ Mỹ ở Nga, các đại diện phe cánh tả lại một lần nữa tới Đại sứ quán Mĩ để "thiết lập quan hệ".
Đáng chú ý là, một số thủ lĩnh đối lập của Nga có khả năng khiến cho tình hình trong nước trở nên bất ổn. Ví dụ, đồng chủ tịch của đảng RPR-PARNAS Mikhail Kasyanov tự tay lập danh sách các phóng viên của Nga, mà theo ý kiến của ông ta là “kích động thù hằn”.
Sau đó ông Kasyanov đã gửi bản danh sách này cho các thượng nghị sĩ Mỹ cùng yêu cầu áp đặt trừng phạt đối với các cá nhân này.