Theo tin từ trang EurasiaNet, Đảng Dân chủ Tự do Moldova mới đây đã trình lên Quốc hội một dự luật cấm các đài truyền hình nước này tiếp sóng các kênh truyền hình do điện Kremlin tài trợ, với mục đích ngăn chặn tuyên truyền của Nga.
Hiện tại, Nga đang là nguồn cung cấp của gần một nửa lượng chương trình trên sóng các hãng truyền hình cáp của Moldova, nơi có tổng cộng hơn 1,13 triệu hộ dân cư.
Về phần mình, phía Moscow đã lên án dự luật nói trên là "phân biệt đối xử", và nhấn mạnh sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ ngoại giao hai nước nếu lệnh cấm này được thông qua.
Trước đó, vào năm 2014, Moldova đã từng cấm truyền hình trong nước tiếp sóng kênh Rossiya24 của Nga, đồng thời gây khó dễ và thậm chí ngăn không cho phóng viên đến từ các kênh truyền hình do điện Kremlin tài trợ được phép tác nghiệp trên lãnh thổ Moldova.
Từ năm 2003, quan hệ song phương Nga - Moldova đã xấu đi trông thấy sau cuộc giao tranh tại Transnistria. Đến năm 2006, Nga đã ban lệnh cấm nhập khẩu rượu từ Moldova, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế quốc gia Đông Âu này.
Nguyên nhân thật sự?
Tuy bề ngoài giống với một biện pháp giảm tầm ảnh hưởng của Nga, một số nhà báo Moldova cho rằng lý do đó chỉ là vỏ bọc cho ý đồ kiểm soát truyền thông chính quyền nước này.
Đi kèm với lệnh cấm tiếp sóng truyền hình Nga, dự luật nói trên còn cấm báo chí Moldova không được phép sử dụng các "nguồn tin giấu tên", kể cả trong những cuộc điều tra nhạy cảm.
Do đó, các nhà báo này nhận định, nếu dự luật nói trên được quốc hội thông qua, báo chí Moldova gần như sẽ không thể có những bài điều tra sai phạm của chính quyền nước này do không được phép sử dụng nguồn giấu tên.
Bà Alina Radu, tổng biên tập tờ báo nổi tiếng với nhiều phóng sự điều tra Ziarul de Garda, là một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất dự luật này.
"Nếu gạt chiếc mặt nạ đó [lệnh cấm tiếp sóng truyền hình Nga - PV] sang một bên, có thể thấy dự luật này là một cái bẫy hết sức tinh vi. Nếu quốc hội thông qua, nó sẽ lập tức phá vỡ quyền tự do báo chí tại Moldova"- bà Radu nhận xét.
Nói tóm lại, có thể thấy dự luật này mang theo ý đồ "một mũi tên trúng hai đích" của chính quyền Moldova. Một mặt giảm tầm ảnh hưởng của Nga và xích lại gần hơn với EU, mặt khác cũng để tự bảo vệ bản thân khỏi sự soi xét của báo chí trong nước.