Chính trường ở quốc gia hàng đầu Đông Nam Á bắt đầu chao đảo kể từ hồi tháng 11 năm ngoái sau khi phe đối lập đổ ra khắp các đường phố ở thủ đô Bangkok và nhiều tỉnh thành để biểu tình phản đối việc chính phủ của Thủ tướng Yingluck đưa trở lại luật ân xá gây tranh cãi. Những người biểu tình cáo buộc, luật ân xá là một nỗ lực của chính phủ nhằm tìm cách xóa sạch tội danh cho cựu Thủ tướng Thaksin cũng là anh trai của bà Yingluck để đưa vị chính khách đầy ảnh hưởng này về nước.
Phe đối lập là lực lượng chống đối mạnh mẽ cựu Thủ tướng Thaksin. Họ gồm thành phần là những người thuộc tầng lớp hoàng gia, trung lưu, thành thị, chủ yếu ở Bangkok và các khu vực phía nam đất nước. Lực lượng này còn được gọi là “áo vàng”.
Phe áo vàng chống ông Thaksin đối đầu với phe áo đỏ gồm những người nông dân, dân nghèo ủng hộ vị cựu Thủ tướng này. Kể từ khi ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu hồi năm 2006, chính trường Thái Lan chứng kiến cuộc đấu tranh dai dẳng trong cái vòng luẩn quẩn của biểu tình, bạo loạn và lật đổ chính phủ, giữa một bên là áo vàng và bên kia là áo đỏ.
Phe áo đỏ chiếm lực lượng đông đảo và vì thế các chính trị gia thân cựu Thủ tướng Thaksin luôn giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử. Trong khi đó, phe áo vàng chỉ có thể lên cầm quyền thông qua các cuộc đảo chính, biểu tình hay phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, do cả hai phe áo đỏ và áo vàng đều quyết không nhượng bộ nhau nên cuộc chiến sắc màu này kéo dài dai dẳng bao năm nay mà không có hồi kết.
Trong “cuộc chiến” mới nhất dậy lên trên chính trường Thái Lan hiện nay, phe áo vàng đang tìm cách lật đổ chính phủ thân cựu Thủ tướng Thaksin. Dưới sự dẫn dắt của cựu Phó Thủ tướng cũng là cựu nghị sĩ Đảng Dân chủ đối lập Suthep Thausuban, lực lượng biểu tình đã gây sức ép dồn dập và mạnh mẽ lên nữ Thủ tướng Yingluck để buộc bà này phải từ chức.
Phe biểu tình tuyên bố muốn xóa sổ ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin và gia đình Shinawatra đầy quyền lực ra khỏi chính trường Thái Lan.
Trước làn sóng biểu tình rầm rộ diễn ra ở thủ đô Bangkok trong những tháng cuối cùng của năm 2013 cùng với việc phong tỏa một loạt tòa nhà, cơ quan, văn phòng chính phủ của phe đối lập, nữ Thủ tướng xinh đẹp Yingluck đã buộc phải nhượng bộ. Bà này đã phải tuyên bố giải tán Quốc hội và tổ chức một cuộc bầu cử sớm để làm dịu tình hình.
Tuy nhiên, bước nhượng bộ đầu tiên của Thủ tướng Yingluck đã vấp phải sự phản đối của lực lượng biểu tình. Những người biểu tình khẳng định, đó không phải là mục tiêu mà họ hướng đến trong chiến dịch lần này. Phe đối lập không muốn có một cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 2/2 tới mà chính phủ đưa ra bởi lực lượng này thừa hiểu thực tế họ sẽ thất bại khi tham gia tranh cử.
Phe đối lập Thái Lan không có cơ hội để chiến thắng trong một cuộc bầu cử mà Thủ tướng Yingluck được sự ủng hộ rộng khắp của tầng lớp dân nghèo, dân nông thôn chiếm đại đa số ở đất nước này.
Lực lượng biểu tình khăng khăng đòi lập nên cái gọi là một "hội đồng nhân dân" bao gồm “những người tốt” do chính họ lựa chọn chứ không phải là nhân dân lựa chọn. Hội đồng này sẽ lên cầm quyền thay Thủ tướng Yingluck và giám sát việc thực hiện những cải cách chính trị trước khi một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức.
Đương nhiên là chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck không chấp nhận đòi hỏi trên bởi theo bà cũng như theo rất nhiều học giả, nhà phân tích khác, yêu cầu của phe đối lập là phi dân chủ. Hơn nữa, bà Yingluck cũng khẳng định, bà không thể phụ lòng tin yêu của hàng triệu triệu người Thái đã bỏ phiếu bầu bà lên nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Với diễn biến trên, cuộc đấu tranh giữa lực lượng biểu tình và chính quyền Yingluck tiếp tục diễn ra. Trong một nỗ lực nhằm dồn chính phủ Thái Lan đến đường cùng và buộc phải ra đi, những người biểu tình đã có hành động leo thang bằng cách tiến hành chiến dịch đóng cửa thủ đô Bangkok. Mục tiêu của họ là làm tê liệt hoàn toàn thủ đô, từ đó làm tê liệt hoạt động của bộ máy cầm quyền, khiến chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck buộc phải chấp nhận ra đi. Lực lượng biểu tình đã tìm mọi cách để phá vỡ kế hoạch bầu cử mà chính phủ đề ra.
Bất chấp những động thái chọc phá, cản trở kế hoạch bầu cử của phe đối lập, chính phủ của bà Yingluck vẫn quyết tâm thúc đẩy việc tổ chức cuộc bầu cử như dự kiến.
Tuy nhiên, trong một động thái hoàn toàn bất ngờ, Thủ tướng Yingluck hôm qua đã đề nghị hoãn kế hoạch bầu cử mà bà từng quyết liệt theo đuổi.
Bộ trưởng Chính phủ - ông Varathep Rattanakorn cho biết, bà Yingluck đã sẵn sàng thảo luận về kế hoạch hoãn bầu cử trong ngày mai (26/1) với Ủy ban Bầu cử Thái Lan. Tuy nhiên, ông Varathep nhấn mạnh, việc hoãn bầu cử sẽ là vô ích nếu một cuộc bầu cử mới bị gây cản trở.
Bước đi trên của chính phủ Thái Lan rõ ràng là một sự nhượng bộ trước người biểu tình. Nó được đưa ra sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết nói rằng, kế hoạch bầu cử có thể được hoãn lại mà không vi phạm hiến pháp. Trước đó, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã đề nghị chính phủ hoãn kế hoạch tổng tuyển cử nhưng bà Yingluck khẳng định, chính phủ không được quyền làm điều đó sau khi kế hoạch đã được Quốc vương phê chuẩn.
Theo dõi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần 3 tháng qua ở Thái Lan, có một điều rất dễ nhận thấy là nữ Thủ tướng Yingluck luôn thể hiện một thái độ mềm mỏng, dịu nhẹ và sẵn sàng nhượng bộ trước lực lượng chống đối với hy vọng có thể tháo gỡ tình hình chính trị rối ren hiện nay ở quốc gia Đông Nam Á.
Hiện không rõ phe biểu tình có chấp nhận lời đề nghị mới nhất của Thủ tướng Yingluck hay không. Tuy nhiên, người ta không dám hy vọng khi mà lực lượng này luôn khăng khăng đòi lật đổ bà Yingluck và xóa sổ ảnh hưởng của gia đình Shinawatra ở Thái Lan. Đây là điều mà nhiều người áo đỏ sẽ không bao giờ chấp nhận. Cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan xem ra vẫn chưa có lối thoát thực sự khả thi.