Bà Masyuk, thành viên Hội đồng Nhân quyền Điện Kremlin, đưa ra cảnh báo nêu trên hôm 4-3. Cô Savchenko, 33 tuổi, đã tuyệt thực 81 ngày trong trại giam.
Gần đây, cô từ chối tiêm glucose – nguồn dinh dưỡng chủ yếu giữ lại mạng sống Savchenko gần 3 tháng qua.
Phó Giám đốc trại giam Anatoly Rudy cho biết tình trạng sức khỏe của nữ phi công Ukraine “vẫn ổn định” và cô sẽ được chuyển tới bệnh viện nếu xảy ra “biến chứng nguy hiểm”, trái ngược với cảnh báo của bà Masyuk.
Savchenko – thành viên quốc hội Ukraine - bắt đầu tuyệt thực từ ngày 13-12-2014 để phản đối việc mình bị Moscow bắt giam.
Cô bị buộc tội liên quan đến cái chết của 2 nhà báo Nga Igor Kornelyuk và Anton Voloshin trong một cuộc tấn công ở miền Đông Ukraine nhưng Savchenko kịch liệt phủ nhận.
Thay vào đó, người phụ nữ tuyên bố cô bị bắt cóc và đưa đến Nga.
Hồi tuần trước, bà Masyuk yêu cầu chính phủ thả Savchenko vì lý do nhân đạo.
Theo báo Moscow Times, bà Masyuk cảnh báo cơ quan nội tạng của cô bắt đầu gặp phải vấn đề nghiêm trọng. Bà đề nghị chuyển nữ phi công tới Đại sứ quán Ukraine hoặc một căn hộ ở thủ đô Moscow.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đang chịu sức ép từ cộng đồng quốc tế về việc trả tự do cho Savchenko.
Hôm 2-3, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande điện thoại yêu cầu ông Putin thả nữ phi công này.
Ông Poroshenko cũng ban cho Savchenko vinh dự cao nhất của đất nước - “Anh hùng dân tộc” - và tuyên bố cô là “biểu tượng bách chiến bách thắng của tinh thần Ukraine và chủ nghĩa anh hùng”.
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, từ chối bình luận về trường hợp của Savchenko và yêu cầu mọi người liên hệ Ủy ban Điều tra Nga (RIC) để biết thêm thông tin.
Vốn báo cáo trực tiếp cho ông chủ Điện Kremlin, RIC trước đó khẳng định “có bằng chứng không thể chối cãi về tội lỗi" của nữ phi công Ukraine và nhất quyết không thả Savchenko.
Cũng trong ngày 4-3, Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, cho biết “Nga không muốn kinh tế của Ukraine sụp đổ”.
Trả lời phỏng vấn đài MSNBC, bà Lagarde đưa ra nhận định: “Tôi nghĩ rằng Liên bang Nga không muốn (nền kinh tế) Ukraine sụp đổ. Nga là nhà cung cấp, chủ nợ nên họ muốn Ukraine có đủ tiền để trả nợ và bồi thường”.
IMF vừa đạt thỏa thuận cho Kiev vay 17,5 tỉ USD trong vòng 2 năm tới. Công thêm các nguồn tài trợ khác, tổng số tiền Ukraine được hỗ trợ trong 4 năm tới lên đến 40 tỉ USD.