Nỗi thống khổ mang tên FSA trước sự "cáo già" của Nga tại Syria

Đức Huy |

Theo trang tin Trung Đông al-Monitor, lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) đã gặp phải muôn vàn khó khăn từ khi Nga khởi xướng chiến dịch không kích tại Syria hồi tháng 9/2015.

Từ không kích liên miên...

Đã hơn 3 tháng trôi qua kể từ ngày 30/9/2015, khi Nga bắt đầu can thiệp tại Syria. Bên cạnh mục tiêu chính là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Moscow cũng không kích nhắm vào căn cứ của phe nổi dậy ở phía bắc Syria, và nay chuyển hướng tấn công sang Sheikh Maskin ở phía nam.

Và theo các chuyên gia, Quân đội Syria Tự Do (FSA) là lực lượng phải "chịu khổ" nhiều nhất.

Theo một bản báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), việc Nga can thiệp vào nội chiến Syria đã thay đổi hoàn toàn cán cân theo hướng nghiêng về phía chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.

"Tại tỉnh Aleppo, quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các lực lượng liên quan đã phát động một cuộc tấn công nhiều mũi vào ngày 15/10, chiếm một diện tích lớn lãnh thổ phía nam thành phố Aleppo, mà trước đó do phe nổi dậy kiểm soát" - báo cáo này viết.

Cũng trong nội dung bản báo cáo này, các lực lượng thân Damascus đã giành được những thắng lợi mang tính chiến lược trước quân nổi dậy ở phía đông bắc tỉnh Latakia.

Những chiến thắng giòn giã của IRGC và quân chính phủ Syria có công không nhỏ từ các đợt không kích của Nga, và "nạn nhân" lớn nhất chính là FSA, với lực lượng tập trung đông đảo ở phía bắc Syria xung quanh tỉnh Aleppo, cũng như phía nam nước này.

Quân đội Syria ăn mừng sau khi chiếm được căn cứ của FSA tại Quneitra. Ảnh: Reuters
Quân đội Syria ăn mừng sau khi chiếm được căn cứ của FSA tại Quneitra. Ảnh: Reuters

FSA được đánh giá là lực lượng lớn nhất và phi tôn giáo nhất trong số các nhóm nổi dậy chống lại chính phủ Assad. Theo chuyên gia phân tích Syria Sinan Hatahet, quân số của FSA được cho là vào khoảng 35.000, trong đó chủ yếu là binh sĩ đào ngũ từ quân đội Syria.

Trả lời phỏng vấn al-Monitor, ông Hatahet giải thích rằng hiện FSA được chia làm 27 nhóm chính, mỗi nhóm có trung bình 1.000 tay súng. Ngoài ra một số nhóm nhỏ khác và các lực lượng dân quân địa phương, với quân số chỉ vài chục.

Bên cạnh việc bị Nga đánh rất rát, FSA còn đang mất đi sự trợ giúp đắc lực từ Trung tâm Điều phối Quân sự tại Jordan (một trung tâm được cho là do phương Tây và các nước vùng Vịnh lập nên để lo công tác hậu cần và tài trợ cho các lực lượng nổi dậy phía nam Syria).

Điều này đang khiến FSA phải chịu rất nhiều áp lực, đó là chưa kể việc tổ chức này đang gặp không ít rắc rối nội bộ, trong đó nổi bật là vấn đề tham nhũng trong hàng ngũ tướng tá và mức lương quá thấp dành cho binh sĩ, khiến nhiều tay súng bỏ đi.

Trả lời phỏng vấn al-Monitor, một nguồn tin giấu tên trong nội bộ mặt trận phía nam của FSA nói rằng, binh sĩ tại đây đang mất hết tinh thần vì nguồn viện trợ ngày một ít đi, kể từ khi Jordan ngưng trả lương cho họ 4 tháng trước.

Theo nguồn tin này, mức lương dành cho các tay súng dao động khoảng 100-150 USD/tháng, tùy vào năng lực mỗi người. Lính nổi dậy cũng đang than vãn vì gia đình của những binh sĩ thương vong trong chiến tranh thường nhận được rất ít sự trợ giúp.

Chuyên gia Hatahet nhận định, những vấn đề này lý giải tại sao số lượng binh sĩ FSA đào ngũ đang tăng cao. Đáng nói là nhiều tay súng sau khi rời FSA lại đến đầu quân cho các lực lượng cực đoan như Ahrar al-Sham hay nhánh al-Qaeda tại Syria, Jabhat al-Nusra.

Vấn đề đào ngũ của FSA thậm chí còn nghiêm trọng hơn tại mặt trận phía bắc, nơi các lực lượng vũ trang Hồi giáo chiếm ưu thế. Các tay súng thích gia nhập các lực lượng này vì họ có nguồn tài chính ổn định và được trang bị vũ khí tốt hơn.

Còn với FSA, kể từ khi Mỹ chấm dứt chương trình "huấn luyện và trang bị" cho các lực lượng nổi dậy chống Assad hồi tháng 10, tổ chức này đã mất đi một nguồn tài chính vô cùng quan trọng.

Dù đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, song Đại tá Abdel Jabar Okaidy của FSA trong một cuộc phỏng vấn với al-Monitor vẫn khẳng định, tinh thần binh sĩ hiện vẫn rất cao, trái ngược hẳn với những gì tay súng giấu tên đã nói với al-Monitor trước đó.


Đại tá Okaidy, tư lệnh kiêm phát ngôn viên lực lượng FSA tại Aleppo. Ảnh: al-Arabiya

Đại tá Okaidy, tư lệnh kiêm phát ngôn viên lực lượng FSA tại Aleppo. Ảnh: al-Arabiya

"Chúng tôi đang chiến đấu vì một lý tưởng chung. Dù Nga có đang hỗ trợ không kích, và những Iran, Lebanon, hay Iraq có đang điều quân yểm trợ, thì bước tiến của lực lượng thân chính phủ cũng hết sức chậm chạp và không đáng kể" - ông Okaidy phát biểu.

Chuyên gia Hatahet cũng đồng tình với nhận định của Đại tá Okaidy. Ông giải thích rằng sự thiếu hụt nhân sự trong hàng ngũ quân đội chính phủ đã khiến Damascus không thể tận dụng tối đa sự hỗ trợ đắc lực từ Nga và Iran, ít nhất là cho tới thời điểm này.

... đến cô lập khôn khéo

Theo chuyên gia Hatahet, FSA hiện nay đang ngày càng bị cô lập tại Syria sau những nước cờ chiến lược mới đây của Nga.

Cụ thể, Moscow và chính phủ Assad đang tìm cách phong tỏa khu vực ngoại ô Damascus bằng việc đàm phán thiết lập lệnh ngừng bắn, với diễn biến mới nhất là việc các tay súng nổi dậy đã được sơ tán khỏi khu vực Zabadani hôm 28/12 vừa qua.

Một nước cờ khác đã được Nga thực hiện tại phía nam Syria, với thỏa thuận đạt được cùng Jabhat al-Nusra, trong đó 400 binh sĩ của lực lượng này sẽ được sơ tán tới phía bắc Syria. Tay súng FSA giấu tên nói trên đã xác nhận thông tin này với al-Monitor.

Nga còn giành được một thắng lợi quan trọng khác với cái chết của Zahran Alloush, thủ lĩnh lực lượng nổi dậy Jaish al-Islam theo dòng Salafi, tổ chức có quân số hùng hậu nhất ở khu vực ngoại ô Damascus với ước tính khoảng 15.000-20.000 tay súng.

Chuyên gia phân tích Syria
Sinan Hatahet
Chiến lược của Nga và chính phủ Assad là kết hợp giữa áp đặt lệnh ngừng bắn và sơ tán lực lượng nổi dậy ra khỏi khu vực sát Damascus và phía nam Syria. Họ muốn đẩy phe nổi dậy lên phía bắc, khu vực không mang nhiều ý nghĩa chiến lược.

Một diễn biến khác cũng vô cùng bất lợi cho FSA là việc liên minh Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đang ngày càng thể hiện vai trò chủ đạo trong cuộc chiến chống lại IS trên bộ.

SDF vừa được phương Tây hậu thuẫn, lại vừa được Nga ủng hộ, và chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất: loại bỏ IS. Phía Nga đã tiến hành không kích mở đường cho SDF đánh chiếm thành phố al-Hawl dọc biên giới với Iraq, cũng như Đập Teshreen ở phía tây.

Liên minh quân sự SDF là lực lượng được cả Nga lẫn phương Tây ủng hộ. Ảnh: KurdishInfo
Liên minh quân sự SDF là lực lượng được cả Nga lẫn phương Tây ủng hộ. Ảnh: KurdishInfo

Thừa thắng, liên minh này đang tiến quân tới các cứ điểm quan trọng do IS kiểm soát, trong đó có thành phố Shaddadi ở phía nam tỉnh Hasakah.

"SDF đang chiếm các khu vực có giá trị sống còn với FSA. Đây cũng là một phần chiến lược của Nga làm giảm vai trò của FSA trên mặt trận chống IS, khiến họ trở nên 'thất sủng' trong mắt phương Tây và yếu thế hơn hẳn trên bàn đàm phán" - ông Hatahet phân tích.

Tóm lại, FSA vẫn có thể cứu vãn được tình hình hiện nay, nhưng nếu Nga tiếp tục đẩy mạnh chiến lược hiện tại, lính FSA sẽ ngày một mất tinh thần, và cán cân quyền lực tại Syria đến một lúc nào đó sẽ không còn bất kì phần trọng lượng nào mang tên tổ chức này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại