Ngày 29-4 (giờ địa phương), Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đến viếng đài tưởng niệm Chiến tranh thế giới thứ hai bên dòng sông Potomac giữa thủ đô Washington, D.C. (Mỹ).
Tại đây, ông đã dẫn ra tên các trận đánh ngày trước giữa quân đội Nhật hoàng với quân đội Mỹ và nhắc lại quan điểm ăn năn của Nhật.
Sau đó, trước Quốc hội Mỹ, ông đã đọc chậm rãi bằng tiếng Anh bài diễn văn lịch sử trong 46 phút.
Năm 1957, ông nội ông là Thủ tướng Nobusuke Kishi chỉ phát biểu trước Hạ viện Mỹ. Nay ông đã trở thành nhà lãnh đạo Nhật đầu tiên phát biểu tại phiên họp chung của Thượng viện và Hạ viện Mỹ.
Bài diễn văn của ông phải ngưng nhiều lần bởi các nghị sĩ vỗ tay và đứng dậy hoan hô.
Thủ tướng Shinzo Abe thừa nhận: “Hành động của nước Nhật trong chiến tranh đã làm nhân dân các nước châu Á đau khổ”.
Sau đó, ông đã gửi lời chia buồn sâu sắc và tưởng nhớ đến vong linh những người Mỹ hy sinh trong chiến tranh.
Trong không khí nồng nhiệt, với tư cách là lãnh đạo nước đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhân cơ hội này gửi thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc.
Ông không nêu rõ tên Trung Quốc trong bài diễn văn mà ám chỉ nhiều lần qua các cụm từ “xâm phạm bản quyền”, “các xưởng hàng lậu”, “tình trạng các vùng biển châu Á”.
Ông khẳng định các nước không nên sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép trong tranh chấp lãnh thổ. Ông tuyên bố: “Nhật đưa ra một khẩu hiệu mới là cùng tích cực góp phần vào hòa bình trên nguyên tắc hợp tác quốc tế”.
Reuters nhận định bài diễn văn của Thủ tướng Shinzo Abe đã đánh dấu tinh thần hòa giải giữa hai kẻ thù trong Chiến tranh thế giới thứ hai và rồi hòa hợp trở thành đồng minh.
Ông đã phát biểu tại nơi mà Tổng thống Franklin Roosevelt tuyên chiến với phát xít Nhật sau khi máy bay Nhật ném bom Trân Châu Cảng năm 1941.
Ông cũng phát biểu đúng ngày Nhật tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật Nhật hoàng Hirohito, người tuyên bố Nhật đầu hàng vô điều kiện năm 1945.
RFI nhận định bài phát biểu lịch sử của Thủ tướng Shinzo Abe thể hiện thái độ cắn rứt và chia sẻ mất mát nhưng không có lời xin lỗi.
Ông không nhắc đến các phụ nữ bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật hoàng. Bài phát biểu của ông chỉ có câu “các cuộc xung đột vũ trang luôn khiến phụ nữ đau khổ hơn”.
Phát biểu của ông về vai trò của Nhật trong cuộc chiến Thái Bình Dương chắc chắn không làm hài lòng Trung Quốc và Hàn Quốc vì các nước này lên án ông muốn viết lại lịch sử.
Phát biểu của ông cũng sẽ không làm hài lòng một số nghị sĩ Mỹ. Họ muốn ông phải chứng tỏ thái độ ăn năn hơn nữa.
Báo Les Echos (Pháp) nhận định 70 năm sau chiến tranh, mục đích của Thủ tướng Shinzo Abe không phải là xới lên lịch sử mà chỉ muốn củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ để giúp Nhật ngăn chặn Trung Quốc.
Nghị sĩ Mỹ Mike Honda đã mời cụ bà Lee Yong-soo, 87 tuổi, người Hàn Quốc đến dự buổi nói chuyện của thủ tướng Nhật.
Trong chiến tranh bà đã từng bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục.
Ông Mike Honda cho biết ông cảm thấy sốc và xấu hổ khi thủ tướng Nhật không đưa ra lời xin lỗi.
Nghị sĩ Adam Schiff cho rằng thủ tướng Nhật đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để xin lỗi chân thành.
Dù vậy, Chủ tịch Hạ viện John Boehner lại khen ngợi: “Chúng tôi rất biết ơn ông ấy đã vinh danh những người anh hùng của Mỹ hy sinh trong chiến tranh”.
_________________________________________
Lịch sử thì khắc nghiệt và điều gì đã làm thì không thể chối bỏ.
Các bạn thân mến, nhân danh nước Nhật và nhân dân Nhật, với lòng trân trọng sâu sắc, tôi xin chia buồn trước vong linh những người Mỹ đã ngã xuống trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Thủ tướng Nhật SHINZO ABE