Cuộc sống ngỡ ngàng ở Việt Nam của một nhà biên kịch Hollywood

Đức Huy |

Suýt bị xe buýt tông phải, đón trộm đến "viếng thăm" phòng ngủ, cuộc sống của Ben August tại Việt Nam đã khởi đầu như thế...

Catherine Karnow: 20 năm và 2 bức ảnh đặc biệt về Đại tướng

Ông Tây duy nhất bán hàng ở Chợ đêm HN: "Vì tôi đẹp trai..."

Bữa cơm cho "kẻ thù" và hồi ức rưng rưng về VN của một nhà báo Mỹ

Tỉnh dậy từ 6h sáng giữa tiếng ngáy rầm trời của các chiến hữu cùng phòng, Ben August quyết định sẽ làm người tốt bằng cách dọn dẹp "bãi chiến trường" của bữa tiệc đêm hôm trước.

Như để ghi nhận công lao của Ben, thần may mắn đã "tặng" cho anh một tờ 10.000 đồng rơi trên sàn nhà.

Nhưng ngày chủ nhật đó không được "son" như Ben lầm tưởng. Hí hửng lên phòng viết blog khoe chiến tích, đập vào mắt anh chàng người Mỹ là một cảnh tượng hãi hùng.

Chiếc laptop không còn ở vị trí quen thuộc trên bàn làm việc, điện thoại di động biến mất khỏi ổ sạc, cả hai chiếc máy ảnh trong ngăn tủ cũng không cánh mà bay.

"Thật sự là lúc đó tôi tức đến nỗi chỉ muốn bỏ về Mỹ ngay lập tức", Ben tâm sự trong cuộc trò chuyện với chúng tôi tại một quán cà phê ở Hà Nội.

Đó là ngày 4/5/2008, chỉ hơn một tuần sau khi anh lần đầu đặt chân đến xứ này.

Giờ Ben vẫn ở đây.

Khởi đầu "sóng gió" ở Việt Nam

Trước khi đến Việt Nam, Ben August sinh sống và làm việc tại Hollywood bằng nghề biên kịch. Tuy nhiên, ngoài những lần cộng tác nhỏ lẻ với các chương trình truyền hình thực tế, trong suốt 7 năm liền anh chưa có một kịch bản nào được chuyển thể thành phim.

Đầu năm 2008, để dứt ra khỏi những bế tắc trong công việc, Ben quyết định thay đổi không khí bằng một chuyến đi dài ngày đến Việt Nam, đất nước đã để lại ấn tượng với anh từ nhỏ.

Anh dự định sẽ dạy Tiếng Anh ở Việt Nam trong 6 tháng, sau đó sẽ chuyển đến Nhật Bản, một quốc gia châu Á khác mà anh từ lâu cũng muốn đến thăm.

Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2009 anh mới đặt chân đến đất nước Mặt Trời mọc, và chuyến đi này của anh cũng chỉ kéo dài 3 tháng. Ngay sau đó, thay vì quay trở về Mỹ như kế hoạch ban đầu, anh lại đáp xuống sân bay Nội Bài.

Vì vợ tương lai của anh đang đợi ở đó.

Anh Ben, chị Huyền, và cô con gái Shayna Phương (ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Ben, chị Huyền, và cô con gái Shayna Phương (ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh gặp chị Huyền lần đầu chỉ một tuần sau khi đến Hà Nội, một cuộc gặp mặt mà anh nói "đã thay đổi cả cuộc đời tôi". 

Tất nhiên ai cũng nói thế về lần đầu gặp gỡ nửa kia của đời mình. Nhưng với Ben, có một lý do khiến đến bây giờ anh vẫn "hối hận" vì đã gặp chị Huyền.

"Vì Huyền nói được tiếng Anh nên từ khi gặp cô ấy, tôi bỏ bê luôn chuyện học tiếng Việt", Ben kể lại.

Do vậy, dù đã ở Việt Nam nhiều năm, nhưng trình độ tiếng Việt của anh không khá hơn là mấy so với thời điểm học lớp "vỡ lòng" hồi mới sang.

Thậm chí, anh thừa nhận rằng cô con gái chưa đầy 2 tuổi của anh còn biết nhiều từ tiếng Việt hơn bố.

Học sinh Ben August "đánh vật" với nguyên âm tiếng Việt.

"Sự tích con chim lợn"

Nếu như phát âm tiếng Việt của Ben không khỏi khiến cho người Việt Nam phì cười, thì những cuộc trao đổi bằng tiếng Anh với các học viên mà Ben dạy cũng không ít lần đặt anh vào những tình huống "dở khóc dở cười" do rào cản ngôn ngữ.

Một trong số đó là câu chuyện "sự tích chim lợn".

Trong buổi học, một học sinh hỏi thầy Ben:

Do you know "pig bird"? (Thầy có biết "chim lợn" không?)

Tưởng rằng bạn học sinh này phát âm sai, anh yêu cầu nhắc lại. Nhưng vẫn là câu hỏi đó. Ngờ ngợ, anh viết từ "pig bird" lên bảng, trong sự gật gù tán thưởng của các học sinh ngồi dưới.

"When a pig bird fly over your house you die" (Khi chim lợn bay trên nóc nhà ai thì người đấy chết), một bạn học sinh khác giải thích.

Thật ra, từ "chim lợn" trong tiếng Anh là "barn owl" chứ không phải là "pig bird" như cách dịch ngộ nghĩnh của bạn học sinh nói trên.

Ben cũng không hề hay biết quan niệm dân gian của người Việt về loài chim báo điềm gở này cho đến khi một học sinh lớp trên giải thích cho anh.

Tuy vậy, anh vẫn tò mò và muốn biết hình thù cái loài "pig bird" này ra làm sao mà nó "nguy hiểm" đến vậy nên đã nhờ một bạn học sinh trong lớp phác họa chân dung.

Và đây là kết quả:

Khắc họa chân dung chim lợn của một học sinh Language Link

Phác họa chân dung "pig bird" ("chim lợn") do một học sinh của Ben vẽ

Xuyên Việt trên xe Wave

"Tôi thà chết chứ không bao giờ đi xe máy ở đây".

Ben đã từng nói như vậy ngay trong ngày đầu đặt chân đến Việt Nam, sau khi chiếc xe máy chở anh đi thăm quan một vòng quanh TP.HCM chỉ còn cách một vài cen-ti-mét nữa thì bị một chiếc xe buýt tông phải.

Nhưng cú "sốc" đó không kéo dài lâu. Chỉ vài ngày sau, anh đã vi vu trên đường phố Sài thành trên chiếc Honda mượn của một người bạn. Sau khi ra Hà Nội làm việc, Ben cũng ngay lập tức sắm cho mình một chiếc xe Wave.

Chính chiếc xe này cũng là ngọn nguồn của vô vàn kỉ niệm của anh tại Việt Nam.

"Đúng là lúc đầu tôi có hơi 'hãi', nhưng vì là người dễ tính nên tôi cũng thích nghi khá nhanh", anh giải thích cho sự thay đổi chóng mặt này.

Anh Ben và chị Huyền tại TP.HCM, trạm dừng chân cuối cùng của chuyến đi xuyên Việt (ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Ben và chị Huyền tại TP.HCM, trạm dừng chân cuối cùng của chuyến đi xuyên Việt (ảnh do nhân vật cung cấp)

Tháng 4/2011, với hành trang là 2 chiếc ba lô cùng "chiến mã" Wave đỏ, vợ chồng anh đã đi dọc Việt Nam trong vòng 5 tuần, xuyên qua 3.468 km đường xá và đồi núi trải dài 28 tỉnh thành từ bắc vào nam.

Hai người cũng xem chuyến đi này như một lời từ biệt, đánh dấu quãng thời gian hơn 3 năm vừa qua của Ben tại Việt Nam. Ngày 11/6/2011, sau khi hoàn tất thủ tục xuất nhập cảnh, vợ chồng anh chính thức lên đường trở về Mỹ.  

Trở về Mỹ

Với bất kì ai đi nước ngoài, những "cú sốc văn hóa" (culture shock) là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu sự dễ tính của Ben có thể giúp anh thích nghi nhanh chóng với Việt Nam, thì khi quay trở lại Mỹ anh thừa nhận đã gặp phải những trở ngại không ngờ.

"Một phần là vì tôi đã có gia đình, nhưng tôi cũng không ngờ là thích nghi lại với cuộc sống ở Mỹ lại khó khăn đến vậy. Tôi đã quá quen với cuộc sống ở Việt Nam", anh chia sẻ.

Về mục đích chính của việc sang Việt Nam lần đầu, Ben khẳng định sự thay đổi không khí này đã đem lại những hiệu quả tích cực cho sự nghiệp của anh.

Từ khi trở về Mỹ, anh đã nhiều lần bay sang Los Angeles để họp mặt với các nhà làm phim tại đây và lên kế hoạch cho nhiều dự án phim có triển vọng trong tương lai.

Quan trọng hơn, sau 7 năm không có kịch bản nào được chuyển thể thành phim, kịch bản mang tựa đề Remember (tạm dịch: Nhớ lại) của anh đã được một đạo diễn Canada dựng thành phim, với sự tham gia diễn xuất của 2 diễn viên từng được đề cử giải Oscar.

Remember dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2015.

Bộ phim này cũng đã giúp anh lọt vào danh sách Top 100 nhà biên kịch trẻ triển vọng nhất Hollywood (Hollywood Young and Hungry List) trong năm 2014. 

Hiện tại, anh đang tìm kiếm nhà tài trợ Việt Nam cho một kịch bản anh khá tâm đắc, trong đó một nửa dàn diễn viên sẽ do người Việt thủ vai. Kịch bản mang tựa đề "Hearts and Minds" (tạm dịch: Trái tim và Tâm hồn).

Anh Ben và chị Huyền tại căn nhà của họ ở New Jersey.

Anh Ben và chị Huyền tại căn nhà của họ ở New Jersey (ảnh do nhân vật cung cấp)

Quay lại Việt Nam

Cái "duyên" của anh với Việt Nam vẫn chưa dừng lại ở đó, tuy nhiên lần này nó là kết quả của một biến cố không hề mong đợi.

Tháng 4 năm nay, được tin sức khỏe mẹ chị Huyền đang có diễn biến xấu, Ben đã không ngần ngại tạm gác những dự định công việc ở Mỹ để cùng vợ và con gái quay về Việt Nam.

Tuy rào cản ngôn ngữ khiến anh và mẹ vợ không giao tiếp được nhiều, nhưng có những tình cảm không nhất thiết phải thể hiện qua lời nói.

Dù mới đầu không quá hào hứng với việc con gái mình yêu một người nước ngoài, nhưng dần dần mẹ chị Huyền cũng hiểu được thành ý của Ben và chấp nhận để hai người đến với nhau.

"Mẹ của Huyền là một người phụ nữ tuyệt vời. Tôi thật sự tự hào vì được gọi bà là 'mẹ'. Tôi luôn đối xử với bà như mẹ ruột của mình," anh chia sẻ.

Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, Ben nói rằng đến với Việt Nam là quyết định sáng suốt nhất của cuộc đời anh.

Cũng dễ hiểu thôi, khi mà những ngày tháng ở Việt Nam đã để lại trong anh vô vàn kỉ niệm không thể nào quên, đã gián tiếp "hồi sinh" sự nghiệp cầm bút của anh tại Hollywood, và quan trọng hơn cả, đã mang đến cho anh một gia đình hạnh phúc.

"Tôi còn có thể đòi hỏi gì hơn thế?"

Benjamin August sinh ngày 24/4/1979 tại Livingston, New Jersey (Mỹ). Anh tốt nghiệp đại học Syracuse, chuyên ngành Kịch bản Phim ảnh, sau đó chuyển sang Hollywood sinh sống và làm việc.

Anh đến Việt Nam lần đầu vào tháng 3/2008. Sau 1 tháng học tiếng Việt và lấy chứng chỉ dạy tiếng Anh trong TP.HCM, anh ra Hà Nội dạy học ở trung tâm Anh ngữ Language Link.

Anh và chị Huyền lập gia đình năm 2010. Hai người chuyển sang Mỹ định cư vào năm 2011 trước khi quay lại Việt Nam vào tháng 5 vừa qua để chăm sóc cho mẹ chị Huyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại