Chủ hiệu sách kể chuyện tình Tập Cận Bình nhận tội hồi năm 2004, ông lái xe trong tình trạng say rượu, cán chết một nữ sinh viên.
Quế người Trung Quốc (TQ) có quốc tịch Thụy Điển, là đồng chủ nhân hiệu sách Causeway Bay ở Hồng Kông, nơi chuyên in các sách phê phán chính phủ TQ.
Có tin Quế chuẩn bị in một cuốn sách kể về cuộc sống tình cảm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Theo Willy Wo-lap Lam, giáo sư trợ giảng ở đại học Hồng Kông, có hai tựa đề đang được xem xét cho cuốn sách, là “Những người tình của Tập Cận Bình”, hoặc “Tập Cận Bình và những người đàn bà của ông”.
Quế tỉnh táo nói tại một trung tâm tạm giữ: “Tôi phải tự nhận trách nhiệm pháp lý. Dù là công dân Thụy Điển, tôi thật sự cảm thấy tôi vẫn là người TQ và cội nguồn của tôi vẫn ở TQ.
Nên tôi hy vọng chính quyền Thụy Điển tôn trọng sự lựa chọn của tôi, chính đáng và riêng tư, để tôi tự giải quyết các vấn đề của tôi”.
Quế nói ông trốn thụ án 2 năm tù vì lái xe trong tình trạng say rượu ở tỉnh Chiết Giang.
Nhưng người Hồng Kông lập tức nghi ngờ độ trung thực của lời khai của Quế. Theo trang Quartz, lời nhận tội của Quế mang nhiều dấu nét của sự công khai nhận tội ở TQ, vốn được cho là do chính quyền ép khai nhận tội.
Nicholas Bequelin, chủ nhiệm nhánh Đông Á của tổ chức Ân xá quốc tế, nói với trang Quartz: “Những lời nhận tội công khai là dấu nét của sự truy tố mang tính chính trị. Các vụ nhận tội công khai này tăng từ khi ông Tập nắm quyền lực”.
Quế mất tích hồi tháng 10.2015 khi sống ở Thái Lan, nơi chính phủ quân sự đã chứng tỏ sự sẵn sàng giao trả người trốn khỏi TQ cho Bắc Kinh.
Hồi đầu năm 2016, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết: đã nêu trường hợp Quế với Đại sứ TQ tại Stockholm.
Angela là con gái Quế, đang sống ở Anh, nói cô tin cha cô bị bắt cóc và việc bị giam liên quan hoạt động xuất bản sách của ông.
Theo Tân Hoa Xã, Quế “đầu thú với công an” hồi tháng 10.2015, nhưng không cho biết chi tiết vụ đầu thú này, không nói có phải ông bị giải từ Thái Lan về hay không.
4 đối tác của Quế cũng mất tích ở Hồng Kông gần đây nhất đồng sở hữu hiệu sách, Lý Ba (có hộ chiếu Anh) mất tích ngày 30.12.2015.
Có tin nhân viên an ninh TQ qua Hồng Kông bắt Lý. Nhưng Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh nói: “Quyền tự do báo chí, quyền tự do xuất bản và tự do ngôn luận được luật pháp bảo vệ ở Hồng Kông. Không thể chấp nhận nếu cơ quan pháp lý Hoa lục lại vận dụng luật ở Hồng Kông”.
Ngày 5.1, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị nói Lý “trước tiên và trên hết là công dân TQ” và kêu gọi những người khác “chớ cáo buộc vô căn cứ”.
Có một mẩu tin nhắn viết tay đề ngày 3.1.2016, được cho là do Lý viết và ký tên, cho biết ông trở về TQ để “giúp một cuộc điều tra”.
Tân Hoa Xã nêu “những người liên quan”đang hợp tác với cuộc điều tra, nhưng không cho biết chi tiết về nơi hiện nay của những người mất tích khác.
Theo trang Quartz, đa số dân Hồng Kông xem ông Lương là “bù nhìn” của Bắc Kinh. Hồng Kông được Anh trả cho TQ hồi năm 1997, được Bắc Kinh xếp là đặckhu hành chính, hoạt động theo công thức “một quốc gia, hai chế độ”.