Mỹ gỡ trừng phạt Iran, và đâu đó ở Syria, Assad đang "cười thầm"

Đức Huy |

Theo phân tích của Bloomberg, với việc gỡ trừng phạt Iran, phải chăng Mỹ đã mở đường cho nước này đường đường chính chính trang bị vũ trang cho các "vệ tinh" của họ tại Syria.

Bộ đôi lãnh đạo Mahan Air thoát truy nã

Để đổi lấy sự tự do cho 4 tù nhân Mỹ, chính phủ Tổng thống Barack Obama đã chấp nhận trả tự do cho 7 công dân Iran, đồng thời gỡ bỏ lệnh truy nã toàn cầu đối với 14 người khác, 2 trong số đó từng bị Mỹ cáo buộc đã hậu thuẫn việc "tuồn" vũ khí cho chính phủ Bashar al-Assad và lực lượng Hezbollah tham chiến tại Syria.

Theo bộ Ngân khố Mỹ, trong nhiều năm qua, hãng hàng không tư nhân Iran Mahan Air đã được trưng dụng để chuyên chở binh sĩ và vũ khí trực tiếp từ Tehran tới Damascus hỗ trợ quân đội chính phủ Syria và Hezbollah.

Năm 2013, bộ Ngân khố Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với Hamid Arabnejad, giám đốc điều hành Mahan Air, theo cáo buộc ông này trốn tránh các hình thức cấm vận của Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế, để hậu thuẫn đội quân tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC-QF) sang Syria.

"Arabnejad có mối quan hệ mật thiết với IRGC-QF và là người đứng đằng sau mọi sự trợ giúp mà Mahan Air dành cho lực lượng bán quân sự này.

Ông ta cũng là người đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức vận chuyển các gói hàng bất hợp pháp tới Syria trên máy bay của Mahan Air" - bộ Ngân khố Mỹ cho biết.

Và mới đây, theo hãng thông tấn quốc gia Iran FARS, Arabnejad chính là một trong 14 công dân Iran được Mỹ gỡ bỏ lệnh truy nã toàn cầu vì cáo buộc tài trợ khủng bố.

Bloomberg cho biết họ đã liên hệ với bộ Ngân khố Mỹ để xác minh thông tin này.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg, David Cohen, Thứ trưởng bộ Ngân khố Mỹ phụ trách thông tin tình báo khủng bố và tài chính, đã từ chối nhận định về danh sách 14 người Iran do FARS công bố. Nhưng ông cũng không phủ nhận danh sách này.

"Mahan Air là một trong nhiều cách thức xâm nhập lĩnh vực thương mại mà IRGC áp dụng để tài trợ cho khủng bố (Mỹ coi Hezbollah là một tổ chức khủng bố - PV)" - ông Cohen phát biểu.

Cũng theo hãng thông tấn FARS, một công dân Iran khác giờ đây cũng không cần phải "nhìn trước ngó sau" khi đi khắp thế giới là Gholamreza Mahmoudi, một lãnh đạo cấp cao tại Mahan Air.

Khi bộ Ngân khố Mỹ đưa Mahmoudi vào danh sách truy nã quốc tế của Interpol hồi năm 2012, họ cáo buộc ông này có quan hệ mật thiết với Arabnejad, đặc biệt trong lĩnh vực né tránh cấm vận để mua thêm máy bay mới.

Tháng 5/2015, trong lúc thỏa thuận hạt nhân Iran đang gần hoàn tất, Mahan Air đã tận dụng thời điểm các cường quốc trong nhóm P5+1 thả lỏng lệnh cấm vận để "tậu" về 9 chiếc Airbus dân dụng,

Nay, với việc gỡ lệnh truy nã đối với các nhân vật cốt cán của Mahan Air, Mỹ vô hình trung coi như đã "ngó lơ" hãng hàng không tư nhân này để họ đường đường chính chính gửi quân tiếp viện cũng như các lô hàng viện trợ từ Iran tới Syria để hỗ trợ Assad mà không phải lo lắng gì về hậu quả.


Hàng nghìn binh sĩ thuộc đội quân tinh nhuệ Quds của Iran đang tham chiến tại Syria. Ảnh: Reuters

Hàng nghìn binh sĩ thuộc đội quân tinh nhuệ Quds của Iran đang tham chiến tại Syria. Ảnh: Reuters

Có thể nói, dù lệnh trừng phạt của bộ Ngân khố vẫn còn hiệu lực, thì việc gỡ lệnh truy nã đối với Arabnejad và Mahmoudi vẫn có tác dụng mang tính biểu tượng, rằng thế giới hãy cứ "nhắm mắt cho qua" để Mahan Air tiếp tục là cầu nối giữa Tehran và chính phủ Assad cũng như lực lượng Hezbollah tham chiến tại Syria.

Iran vui, Assad còn vui hơn

Trong phát biểu của mình tại Nhà Trắng hôm 17/1 vừa qua, ông Obama cho biết tất cả 7 công dân Iran được thả đều không có dính líu tới khủng bố hay các hành vi bạo lực nào. "Họ đều chỉ là những thường dân" - Tổng thống Mỹ cho biết.

Tuy nhiên, ông Obama không hề nhắc gì tới 14 người Iran, trong đó có 2 lãnh đạo Mahan Air nói trên, và việc họ đã không còn nằm trong danh sách truy nã Interpol vì cáo buộc tài trợ khủng bố.

Lúc này tại Quốc hội Mỹ, không khó để tìm những tiếng nói phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran vừa được thực thi. Rất nhiều nghị sĩ cho rằng nỗ lực chặn đứng các hành vi gây bất ổn của lực lượng IRGC đã bị thỏa thuận nói trên "ngáng đường".

"Thỏa thuận sai lầm này chỉ góp phần gia tăng sức mạnh cho quân đội và các lực lượng do Iran đứng sau. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần một chính sách cứng rắn [đối với Tehran], thay vì nhượng bộ" - Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce phát biểu.

Chưa biết liệu Washington có "cứng rắn" với Tehran hay không, nhưng vào thời điểm này, một trong những người hưởng lợi lớn nhất sau những diễn biến mới đây tại Iran không ai khác chính là Bashar al-Assad, khi quân đội của ông sẽ tiếp tục nhận được sự trợ giúp đắc lực từ IRGC-QF và Hezbollah trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như các lực lượng nổi dậy tại Syria.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại