Người VN xúc động trước bức tường đặc biệt trong Bộ Ngoại giao Mỹ

Mong một ngày nào đó, tại trụ sở của Bộ Ngoại giao cũng sẽ có một “bức tường” vinh danh công lao của những người đã từng đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam.

Trưa hôm đó nắng vàng, trời tháng 7 trong vắt, từ sân thượng tầng 8 của Bộ Ngoại giao Mỹ, chúng tôi có thể phóng tầm mắt đến tận bờ bên kia của sông Potomac, nơi có tòa nhà được thiết kế theo hình ngũ giác nổi tiếng, trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Từ tòa nhà mang tên Tổng thống Mỹ

Đi ngang qua mặt tiền tòa nhà đồ sộ có kiến trúc đặc trưng cho những công sở được xây dựng trước Thế chiến II trên đất Mỹ, chúng tôi nhìn thấy một hàng chữ khá lớn màu trắng trên nền một bức tường thấp và dài bằng đá granit đen Tòa nhà Harry S Truman (Harry Truman Building). Đó là trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ.

Một sự trùng hợp khá thú vị khi trong chuyến thăm chính thức nước Mỹ lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7/2013) có hai sự kiện liên quan đến ông Harry Truman, vị Tổng thống thứ 33 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Sự kiện đầu tiên là buổi chiêu đãi chính thức của Chính phủ Mỹ dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra tại tòa nhà đã được Tổng thống Bill Clinton đổi tên thành Tòa nhà Harry S Truman kể từ tháng 9/2000. Có lẽ đây cũng là trụ sở Bộ Ngoại giao duy nhất trên thế giới mang tên một vị Tổng thống.

Sự kiện thứ hai mang ý nghĩa lịch sử và có liên quan trực tiếp đến quan hệ Việt - Mỹ. Đó là việc, trong chuyến đi này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tận tay Tổng thống Mỹ Obama bản sao bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Truman (tháng 2/1946). Bức thư được viết không lâu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ với người đứng đầu nước Mỹ lúc đó với mong muốn hai nước cùng dựng xây mối quan hệ "hợp tác đầy đủ".

Mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 67 năm được nhắc đến nhiều lần trong những phát biểu trên đất Mỹ của nguyên thủ Việt Nam - ông Trương Tấn Sang: "Thông điệp mà tôi muốn nhấn mạnh với quý vị là Việt Nam mong muốn hai nước sẽ tăng cường hợp tác toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước, cùng chung tay đóng góp và vun đắp cho một Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động và thịnh vượng. Và chúng ta cần nỗ lực, hết sức nỗ lực hợp tác với nhau trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng và cùng có lợi vì mục tiêu chung đó". Mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành sự thật sau một chặng đường thật dài và bao nỗ lực của cả hai bên.

Nhìn về số 1 Tôn Thất Đàm

Đã có tới hơn một chục phóng viên các hãng truyền thông quốc tế đang làm thủ tục kiểm tra an ninh khi nhóm báo chí chúng tôi đến Bộ Ngoại giao Mỹ. Họ cũng đến để đưa tin về buổi chiêu đãi chào mừng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu như chúng tôi.

Việc kiểm tra an ninh đối với phóng viên ở đây tương đối nhanh so với nhiều nơi khác. Hai cán bộ báo chí còn trẻ măng của nước chủ nhà dẫn chúng tôi đi xuyên qua hành lang của khu kỹ thuật tới một thang máy rộng, đủ cho 20 người lên tầng 8, tầng chuyên để tiếp tân và chiêu đãi của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam (trái) và Trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam (trái) và Trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Khác với vẻ kiến trúc bề ngoài có phần mộc mạc, thiếu ấn tượng của tòa nhà, tầng 8 được bài trí rất hài hòa, sang trọng và ấm cúng như phòng khách một lâu đài tại châu Âu. Một cô gái đang chơi đàn hạc (harp) phía cửa phòng. Trong phòng chiêu đãi mang tên Tổng thống Benjamin Franklin đã có khá đông các vị khách mời là nghị sỹ, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, giáo sư và kiều bào đang sôi nổi trò chuyện. Những nhân viên lễ tân tất bật làm công việc chuẩn bị.

Đến sớm hơn dự kiến nên nhóm phóng viên có dịp ra tầng thượng là một khoảng sân rất rộng ngay cạnh phòng chiêu đãi để ngắm cảnh. Tôi tranh thủ xem ba bức tường khá đặc biệt trông như ba tấm bia lớn hình chữ nhật làm bằng đá granit đen có khắc chữ màu trắng. Cả ba được gắn lên bức tường phía ngoài phòng chiêu đãi cách đây không lâu.

Thấy tôi ghi lại những dòng chữ trích lời bà Clinton trên bức tường đầu tiên, anh Nguyễn Hoàng Giang, Bí thư Báo chí Đại sứ quán ta tại Washington DC nói với tôi: "Đây là sáng kiến của bà Clinton lúc còn đương chức. Trong nhiệm kỳ ngoại trưởng, bà đã lập một quỹ bảo trợ cho ngành ngoại giao. Một phần số tiền quyên góp được từ những tổ chức và cá nhân hảo tâm đã được dùng để cải tạo khu chiêu đãi và làm những bức tường ghi công tại tầng thượng trên tầng 8 này".

Tôi rất thích bức tường "Vinh danh những người đàn ông và đàn bà đã phục vụ quốc gia với cương vị ngoại trưởng". Trên đó ghi tên toàn bộ các cựu ngoại trưởng của nước Mỹ, từ người đầu tiên là ông Thomas Jefferson, tác giả của Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ đồng thời cũng là vị tổng thống thứ ba của nước này đến người vừa rời cương vị ngoại trưởng là bà Clinton.Tổng cộng có 67 người. Một phần lịch sử nước Mỹ được thể hiện qua những người một thời lãnh đạo ngành ngoại giao...

Mong một ngày nào đó, tại tòa nhà số 1 phố Tôn Thất Đàm, Hà Nội, trụ sở của Bộ Ngoại giao cũng sẽ có một “bức tường” hay một hình thức vinh danh xứng đáng với công lao của những người đã từng đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam.

"Hợp chủng quốc Hoa Kỳ độc đáo bởi trong suốt lịch sử của đất nước chúng ta có những cá nhân dám chịu trách nhiệm để gìn giữ quá khứ trong khi vẫn tưởng tượng và sáng tạo một tương lai tốt đẹp hơn".

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - 27/10/2011

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại