"Người Trung Quốc không thể thấy sự thật cả thế giới đang thấy"

My Lan |

(Soha.vn) - Đại sứ Nhật tại Mỹ đã phản pháo chiến dịch tuyên truyền chống Nhật của Trung Quốc và cho rằng chính nước này, chứ không phải Nhật đang khiến thế giới lo lắng.

Trong bài viết trên tờ Washington Post, Đại sứ Nhật ở Mỹ Kenichiro Sasae đã thẳng thắn cho rằng chiến dịch tuyên truyền chống Nhật của Trung Quốc không thể "che mắt" được cộng đồng thế giới. Ông này cũng kêu gọi Trung Quốc, thay vì gây sự, thì nên cùng ngồi làm đàm phán để tìm được tiếng nói chung, nhằm cải thiện mối quan hệ.

 	Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Kenichiro Sasae.

Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Kenichiro Sasae.

Dưới đây là bài viết của ông Sasae trên tờ Washington Post ngày 17/1.

Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền toàn cầu chống lại Nhật Bản mà động thái gần đây nhất là bài phân tích của Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải ngày 10/1. Tuy nhiên, những nhận định của ông này đã sai, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng là đã hiểu sai thái độ của quốc tế. Chính Trung Quốc, chứ không phải Nhật Bản, đang khiến gần như toàn bộ châu Á và cộng đồng thế giới lo lắng.

Đền Yasukuni, trọng tâm gần đây nhất trong các luận điệu chống Nhật Bản của Bắc Kinh, là nơi thờ cúng vong linh của những người đã hi sinh cả tính mạng cho quốc gia kể từ thời Minh Trị Duy Tân năm 1868. Người Nhật Bản tới viếng đền để cầu nguyện cho linh hồn của tử sĩ - hơn 2,4 triệu người - không phải để vinh danh chiến tranh hay danh dự, cũng không phải để biện minh cho hành động của một bộ phận nhỏ các tội phạm chiến tranh loại A.

Tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới ngôi đền này và Chinreisha, đài tưởng niệm những người đã chết vì chiến tranh trên khắp thế giới, để cam kết hoà bình muôn đời, với sự hối hận sâu sắc của ông với quá khứ. Cũng giống như những người Nhật Bản khác, ông nói rằng ông đã ước được thăm ngôi đền này, chân thành tưởng nhớ sự chịu đựng và hi sinh của binh lính và cả những người nước ngoài. Ông không tới đó để tỏ lòng tôn kính với tội phạm chiến tranh loại A hay làm tổn thương tới cảm xúc của người Trung Quốc, Hàn Quốc.

Cần phải lưu ý rằng Trung Quốc đã bắt đầu biến vấn đề này trở thành động cơ chính trị kể từ năm 1985. Mặc dù 14 tội phạm chiến tranh loại A được ghi danh tại đền này từ năm 1978, song vào thời điểm đó, hơn 20 cuộc viếng thăm của các đời Thủ tướng tới đền đã không hề bị phản đối.

Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần bày tỏ sự hối hận sâu sắc và nói lời xin lỗi chân thành về chiến tranh. Thủ tướng Nhật cũng đã làm vậy sau chuyến thăm gần đây của ông tới đền Yasukuni - ông đã nói rằng "Nhật Bản không bao giờ được gây chiến thêm một lần nữa". Ông đã thực hiện và sẽ tôn trọng tuyên bố của các đời Thủ tướng trước. Thủ tướng Abe đã chấp nhận bản án của Toà án quân sự Quốc tế tại Viễn Đông, và ông chưa bao giờ nói rằng Nhật Bản không cam kết gây hấn.

Tôi không thể dự đoán được rằng liệu chiến dịch tuyên truyền chống Nhật Bản của Trung Quốc có hiệu quả trong nội bộ nước này hay không, nhưng nó chắc chắc không gây được tiếng vang ở quốc tế. Theo đánh giá của các cuộc thăm dò công chúng tại hầu hết các quốc gia châu Á và toàn bộ thế giới, Nhật Bản là một trong những quốc gia được yêu mến nhất.

Lo ngại chung, và thực sự nghiêm trọng, đối với an ninh và hoà bình tại châu Á - Thái Bình Dương không phải là chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới đền Yasukuni, mà là việc Trung Quốc đang xây dựng quân đội với tốc độ chưa từng có và gây sức ép về quân sự cũng như kinh tế lên các quốc gia láng giềng. Ví dụ mới đây nhất là vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc đơn phương thiết lập. Các tàu của Trung Quốc đã tăng cường xâm lấn vào vùng lãnh hải quanh khu vực đảo Senkaku cũng như các vùng biển mà Philippines, Việt Nam và các quốc gia hàng hải khác trong khu vực tuyên bố chủ quyền.

Người Nhật Bản tự hào và tự tin về cách cư xử hoà bình trong suốt 70 năm qua của mình và chúng tôi đang tiến tới tương lai. Không giống như Trung Quốc, Nhật Bản chưa một lần nổ súng trên chiến trường kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Nhật Bản đã có những đóng góp đáng kể về kinh tế và công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của châu Á, trong đó có cả Trung Quốc. Nhật Bản đã liên tục duy trì sự tự do, dân chủ, tuân thủ pháp luật và có đóng góp cho hoà bình, thịnh vượng của châu Á, cũng như đoàn kết với nước đồng minh là Mỹ.

Thế trận quốc phòng của Nhật Bản khá khiên tốn. Ngược lại, Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần chi tiêu quốc phòng của mình trong suốt thập kỉ qua một cách không minh bạch. Trong thời gian đó, Nhật Bản đã giảm 6% tổng chi tiêu quốc phòng của mình. Chúng tôi mới chỉ tăng ngân sách quốc phòng lần đầu tiên sau 11 năm và chỉ tăng 0,8%.

Sau chiến tranh, Nhật Bản đang tiến tới trở thành một quốc gia hoà bình, và điều đó không thay đổi. Các cuộc thăm dò cho thấy, người Mỹ đang tin tưởng sâu sắc vào Nhật Bản - và chúng tôi cũng như vậy với Mỹ, chỉ có ít người Mỹ lo sợ sự quân sự hoá của Nhật Bản. Thật không may, Trung Quốc lại không cho phép tranh luận cởi mở và mở cửa cho dòng chảy thông tin, vì thế mà người Trung Quốc không thể nhìn thấy sự thật mà cả thế giới đang nhìn thấy, cũng không thể chỉ trích quan điểm lệch lạc mà chính phủ tuyên truyền.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất có niềm tin. Trung Quốc là một nước láng giềng quan trọng, và chúng ta đều hi vọng có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Thủ tướng Abe đã sẵn sàng đàm phán với Chủ tịch Tập Cận Bình mà không cần điều kiện tiên quyết nào.

Chúng tôi tha thiết hi vọng Trung Quốc chấm dứt chiến dịch tuyên truyền chống Nhật đầy giáo điều của mình và phối hợp với chúng tôi để hướng tới một mối quan hệ của tương lai. Cuối cùng, cộng đồng thế giới sẽ bị thuyết phục bởi hành động của Trung Quốc, chứ không phải bởi chiến dịch tuyên truyền lỗi thời.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại