Người tị nạn Ukraine: Đi, ở hay trở về?

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa đi vào hồi kết, trên lãnh thổ Nga cách biên giới Ukraine tầm 50km, nhiều người tị nạn Ukraine trăn trở với những lựa chọn đi về đâu khi chiến sự vẫn dai dẳng không tàn.

Tại trại hè trên bờ biển Azov do nhà nước quản lý, cô Marina Balatskaya đang trông chừng trong lúc ba đứa con đùa nghịch.

Sau 7 tháng sinh sống tại nơi đã trở thành mái nhà trú nắng mưa của bốn mẹ con cũng như nhiều người tị nạn Ukraine khác kể từ lúc họ chạy trốn cuộc xung đột ở Đông Ukraine, người mẹ đơn thân 35 tuổi giờ đây vẫn chưa nghĩ thông chuyện đi hay ở.

Phía bên kia biên giới, súng vẫn đùng đoàng nổ. Đông Ukraine vẫn trong tình trạng hỗn loạn. “Dĩ nhiên chúng tôi muốn về nhà. Tôi muốn về nhà, các con tôi cũng muốn về nhà. Dù cho có vấn đề gì ở đó đi chăng nữa, đó vẫn là nhà của chúng tôi”, cô Marina chia sẻ.

Muốn mang các con về đoàn tụ cùng người chị gái, và mặc dù được phía Ukraine khẳng định người tị nạn có thể tự do trở về, cô Marina vẫn do dự.

“Tôi không thể quay trở lại bởi vì lính Ukraine đang kiểm soát thành phố của tôi. Khi quyết định chạy đến Nga tị nạn, tôi đã bị xem là kẻ thù của nhân dân”.

Các quan chức vùng biên giới Rostov của Nga cho hay, kể từ khi cuộc chiến ở Đông Ukraine nổ ra vào tháng 4 năm ngoái, khoảng 260.000 người Ukraine đã vượt biên và chưa quay trở lại.

Tại quận nơi có trại hè cô Marina đang sinh sống, trong số 15.000 người tị nạn Ukraine đã qua đây giờ chỉ còn lại 600 người. Phần lớn họ là các cặp vợ chồng già hay những bà mẹ đơn thân.

Một phần lớn những người Ukraine tị nạn ở Nga đã quay trở lại quê hương, một số dù đang ở lại vẫn hy vọng ngày nào đó có thể về nhà. Và có cả hàng ngàn người Ukraine đã đặt bút đăng kí một chương trình của chính phủ Nga để được ở lại sinh sống.

Người đi kẻ ở

Gia đình bà giáo về hưu Galina là một gia đình tị nạn đau đầu quanh những quyết định đi, ở hay đi đâu như vậy.

Trong lúc vợ chồng cô con gái thứ của bà đến sống ở một khu vực xa xôi tại Siberia, cách đó khoảng 5.000km, vợ chồng bà cùng người mẹ già 90 tuổi, con gái và cháu gái chọn ở lại trại hè bởi bà Galina vẫn còn quyến luyến cuộc sống ở phía bên kia biên giới.

Theo lời kể của Galina, gia đình cô con gái thứ giờ đây sống ở một trại tị nạn. Anh con rể làm thợ sửa ống nước bán thời gian. “Tôi bảo đừng có đi, nhưng chúng vẫn đi… Chúng có một số mối quen biết xa xôi nào đấy, họ thuyết phục chúng đến nhưng chuyện không đi đến đâu”, bà nói.

Trong khi đó, có những người Ukraine lại tìm được cách xoay sở để sinh sống ở Nga và không có kế hoạch hồi hương. Ông Roman Bobrovnikov, 51 tuổi, đã tự mình xin được công việc kế toán tại một nhà máy gia cầm cách biên giới khoảng 60km.

Dù ngày trước là giám đốc trong một công xưởng tương tự ở Ukraine, ông vẫn cho hay cảm thấy “may mắn” vì có việc làm, có một mái nhà cho vợ và cô con gái 26 tuổi.

“Tôi đã nộp giấy tờ của chúng tôi cho cơ quan di cư để bắt đầu quá trình xin cấp quyền công dân Nga cho tất cả chúng tôi, hy vọng chuyện sẽ thành trong 1 năm hoặc 18 tháng… Điều gì đang chờ đợi tôi ở Ukraine ư? Lương hưu? Bố mẹ tôi giờ không nhận được lương hưu ở đó nữa”.

Lại vẫn có những người khẳng định sẽ trở về nhà một ngày nào đó, như cô Ksenia Kanashina, 33 tuổi, người phụ nữ tự đứng ra làm lãnh đạo của những người tị nạn còn lưu lại trong trại hè. Chồng cô Kanashisa đang chiến đấu trong hàng ngũ phe đòi độc lập.

Chứng kiến những lệnh ngừng bắn được kí kết và sụp đổ rồi lệnh ngừng bắn hiện tại không thể ngăn được tiếng súng ở những điểm xung đột nơi tiền tuyến, cô Kanashisa vẫn nuôi hy vọng sẽ sớm được quay về. “Cuộc chiến không thể kéo dài vô tận.

Bằng cách nào đó nó phải kết thúc và lúc đó hy vọng chúng tôi có thể quay về”, cô nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại