Họ thậm chí còn giăng biểu ngữ: “Hãy ném Cameron đi chứ đừng ném bom”.
Thủ tướng Anh David Cameron đã chính thức công bố trước dân chúng kế hoạch gửi không quân nước này tham gia vào thành phần lực lượng liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu tiến hành không kích các vị trí IS ở Syria.
Trước đó, Không quân Anh cũng đã và đang tiến hành các đợt không kích IS tại Iraq.
Theo kế hoạch, trong tuần tới, ông Cameron sẽ đệ trình kế hoạch này lên Quốc hội Anh để phê chuẩn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều khả năng đề xuất này của ông Cameron sẽ được phê chuẩn vì hiện rất nhiều chính trị gia Anh đã thay đổi quan điểm phản đối Anh không kích IS ở Syria sau các vụ khủng bố ở Paris, Pháp.
Tuy nhiên, kế hoạch của ông Cameron đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân Anh.
Trong ngày thứ Bảy (28/11), hàng nghìn người dân Anh đã đổ ra đường phố ở Thủ đô London với các biểu ngữ như: “Không ném bom Syria”, “Hãy ném Cameron đi chứ đừng ném bom”, “đừng đổ thêm dầu vào lửa”.
Trả lời phỏng vấn của hãng AP, Lindsay Jerman, một thành viên tích cực của liên minh “Stop the War” nhấn mạnh: “Mặc dù các vụ khủng bố kinh hoàng đã xảy ra tại Paris nhưng nhiệm vụ của chính quyền là áp dụng các biện pháp có trách nhiệm chứ không chỉ nói đơn giản rằng: Chúng tôi sẽ ném bom chúng”.
Trong khi các cuộc biểu tình của người dân Anh đang diễn ra tại London, Thủ tướng Anh David Cameron đang có mặt ở Malta tiếp tục khẳng định: IS là mối đe dọa với nước Anh và việc tiến hành không kích vào các vị trí IS tại Syria sẽ là “giải pháp đúng đắn”.
Quan điểm này của ông Cameron không nhận được sự chia sẻ của Lindsay Jerman và hàng nghìn người dân Anh khác “Chúng tôi đề nghị không thực hiện hành động này. Đừng lặp lại sai lầm đã mắc phải ở Iraq”.
Trong một diễn biến khác, tại Tây Ban Nha, hàng nghìn người cũng đã đổ ra các đường phố ở Thủ đô Madrid trong ngày 28/11 để cảnh báo chính quyền Tây Ban Nha về những hậu quả sẽ phải gánh chịu nếu như tham gia vào liên quân chống khủng bố ở Trung Đông.
Bản thân Tây Ban Nha đã có những kinh nghiệm đau thương trong vấn đề này.
Trong năm 2004, những phần tử khủng bố đã đặt bom một số đoàn tàu 3 ngày trước khi bầu cử Quốc hội Tây Ban Nha làm 191 người chết và gần 2.000 người bị thương.
Rất nhiều người Tây Ban Nha tin rằng các vụ khủng bố này được thực hiện nhằm trả thù cho hành động Tây Ban Nha tham gia vào cuộc chiến ở Iraq vì vụ khủng bố này được thực hiện sau đúng 911 ngày sau các vụ khủng bố kinh hoàng ở Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001.