John Kerry-Vương Nghị đối thoại
Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ mối quan ngại của ông về các hoạt động cải tạo đất và xây dựng đảo đá nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ với Reuters.
Bên lề hội nghị khu vực ASEAN mở rộng, ông Kerry nói với người đồng cấp Vương Nghị rằng dù không đứng về bên nào trên Biển Đông, Mỹ muốn được thấy các nước trong khu vực giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong cuộc họp mặt, Ngoại trưởng Mỹ cũng tái khẳng định mối quan ngại của Washington về tiến trình "quân sự hóa" các đảo đá do Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm.
"Ông [Kerry] kêu gọi Trung Quốc và các bên liên quan chấm dứt những hành động "có vấn đề" để mở đường cho các bước tiến ngoại giao" - quan chức này nói thêm.
Về phần mình, trả lời phỏng vấn sau cuộc hội đàm với ông Kerry, ông Vương cho biết Bắc Kinh sẽ theo đuổi "thảo luận hòa bình" để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên Ngoại trưởng Trung Quốc không nói cụ thể nội dung của các cuộc "thảo luận" này.
Các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, Ngoại trưởng hai nước đã thảo luận về chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới đây, cũng như mối quan tâm của Mỹ về an ninh mạng và vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.
Biển Đông vẫn là chủ đề chính
Trước thềm hội nghị, Trung Quốc đã nói rằng họ không muốn các tranh chấp Biển Đông được đem ra thảo luận tại cuộc họp của ASEAN trong tuần này, nhưng nước chủ nhà Malaysia đã thẳng thừng nói rằng vấn đề này quá quan trọng để bỏ qua.
Đại diện ngoại giao các nước tham gia hội nghị cũng đóng góp ý kiến của mình trong vấn đề Biển Đông, mặc cho lời kêu gọi trước đó của Trung Quốc.
Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Minoru Kiuchi đã "bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hành động đơn phương thay đổi hiện trạng và đẩy cao căng thẳng Biển Đông, bao gồm cải tạo đất với quy mô lớn, xây dựng tiền đồn và sử dụng phục vụ mục đích quân sự".
Theo đại diện văn phòng ASEAN tại Thái Lan, ông Jakkit Srivali, một thông cáo chung dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối cuộc họp giữa ASEAN, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác vào ngày thứ năm (6/8) tới.
Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đã đồng ý thiết lập đường dây nóng giữa các ngoại trưởng để giải quyết tình trạng khẩn cấp hàng hải. Các quan chức cấp cao cho biết điều này dự kiến sẽ được nhắc tới trong thông cáo sắp tới.
Cùng ngày, ông Vương cũng đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN. Hôm 3/8 vừa qua, ông Vương nói rằng lời kêu gọi chấm dứt mọi hoạt động xây dựng và cải tạo của Mỹ trên Biển Đông là "không thực tế".
Về phần mình, ông Kerry cũng đã nói với các đối tác ASEAN trong một cuộc họp riêng biệt rằng Washington muốn thấy sự ổn định ở Biển Đông.
"Chúng tôi muốn đảm bảo an toàn hàng hải trên các tuyến đường biển quan trọng và ngư trường, cũng như tận mắt chứng kiến các tranh chấp trong khu vực được xử lý bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế" - Ngoại trưởng Mỹ phát biểu.
Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay vẫn chưa hề cho thấy bất kì dấu hiệu nào của việc dừng xây dựng và cải tạo trải phép trên các đảo đá Biển Đông.