Ig Nobel: Tên gọi hài hước, mục đích nghiêm túc
Nhóm nhà khoa học đến từ Đại học Michigan (Mỹ) được trao giải Y học với công trình chữa bệnh chảy nước mũi bằng thịt lợn.
Tiến sĩ Sonal Saraiya và các cộng sự của bà phát hiện ra rằng việc nhét một miếng thịt lợn muối vào lỗ mũi của một đứa trẻ mắc bệnh chảy máu mũi không ngừng - một bệnh nguy hiểm đến tính mạng - sẽ giúp cầm máu rất nhanh.
Bà Saraiya kể rằng đã tình cờ phát hiện khả năng cầm máu của thịt lợn muối khi đang điều trị cho một đứa trẻ 4 tuổi bị mắc chứng chảy máu mũi bất thường. “Chúng tôi phải làm những điều vượt ra ngoài khuôn khổ tư duy thông thường. Và chúng tôi đã bàn bạc về phương pháp cầm máu của người xưa” - bà kể.
Sau khi Saraiya sử dụng thịt muối, đứa trẻ trên đã cầm máu rất nhanh. Bà tin rằng phương thức đặc biệt này có tác dụng bởi “thịt lợn có các chất hỗ trợ đông máu”. Đó là chưa kể tới việc lượng muối cao trong thịt lợn khiến mũi tiết ra nhiều dịch, giúp ngăn máu chảy.
Tuy nhiên bà Saraiya nói rằng chỉ nên sử dụng giải pháp này khi các liệu pháp điều trị thông thường không có tác dụng. Bà cũng cho biết người ta chỉ nên dùng thịt lợn muối trong một số vụ chảy máu cực hiếm, tại đó máu bệnh nhân không thể đông lại như người bình thường.
Kiyoshi Mabuchi minh họa nghiên cứu về sự trơn trượt của vỏ chuối khi ông nhận giải Ig Nobel 2014.
Tiềm năng ứng dụng không nhỏ
Trong khi đó, nghiên cứu vì sao vỏ chuối lại trơn trượt khi ta dẫm lên chúng đã giành giải Ig Nobel Vật lý. Đội nghiên cứu của nhà khoa học Kiyoshi Mabuchi (Nhật Bản) đã tính toán độ ma sát của vỏ chuối trong phòng thí nghiệm, so sánh kết quả với vỏ cam và vỏ táo, cho thấy vì sao 2 loại vỏ này không “nguy hiểm” như vỏ chuối.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Kitasato (Nhật Bản) đã đo lực ma sát của vỏ chuối trong phòng thí nghiệm, rồi chỉ ra tại sao vỏ táo và vỏ cam không trơn đến thế. Các nhà khoa học nói rằng chất gel polysaccharide follicular đã giúp vỏ chuối có đặc tính trơn trượt còn được tìm thấy tại màng nhầy nằm trong các khớp xương.
Kiyoshi Mabuchi nói rằng nghiên cứu của ông sẽ giúp thiết kế ra một khớp xương nhân tạo tốt hơn. “Công trình” này giành giải Ig Nobel cho lĩnh vực vật lý.
Giải Ig Nobel trong lĩnh vực khoa học thần kinh được trao cho công trình của nhà nghiên cứu Kang Lee đến từ Đại học Toronto (Canada) và các đồng nghiệp: Tìm hiểu bộ óc con người khi nhìn thấy mặt Chúa Jesus và những nhân vật nổi tiếng khác trên lát bánh mỳ.
Sau khi phân tích kết quả chụp cắt lớp não các tình nguyện viên, ông thấy rằng con người có xu hướng nhìn ra một gương mặt người trên một khung cảnh ngẫu nhiên, có hình thù không rõ ràng. Xu hướng này hình thành từ một hiện tượng được biết tới với tên pareidolia (hiện tượng ảo giác về khuôn mặt).
Lee nói rằng người ta thường nhìn thấy những gì họ muốn thấy. Cụ thể, “gương mặt” mà họ nhìn thấy sẽ giống với kỳ vọng hoặc niềm tin tôn giáo của họ. “Vì thế, người theo Phật giáo có thể sẽ không nhìn thấy Chúa Jesus trên lát bánh mỳ nướng. Thay vào đó, họ sẽ thấy đức Phật” - ông nói.
Không ít người muốn có giải Ig Nobel
Những người khác đoạt giải Ig Nobel năm nay gồm có Peter Jonason, tới từ Đại học Tây Sydney, Australia. Ông và cộng sự được trao giải Ig Nobel Tâm lý vì chứng minh được rằng, những người thích thức khuya thường thích ca ngợi bản thân, nhiều mánh khóe và dễ bị bệnh rối loạn nhân cách hơn những người thích ngủ dậy sớm.
Nhà nghiên cứu Jaroslav Flegr tới từ Đại học Charles, CH Séc, đoạt giải Ig Nobel Sức khỏe Cộng đồng nhờ điều tra xem liệu con người có gặp nguy cơ gì về tinh thần không nếu họ nuôi một con mèo.
Giải Ig Nobel Sinh học được trao cho Vlastimil Hart, thuộc Đại học Khoa học cuộc sống CH Séc, do phát hiện rằng, khi những con chó đi vệ sinh, chúng thích điều chỉnh để thân thẳng hàng với đường từ trường của Trái đất.
Giải Ig Nobel Nghệ thuật được trao cho Marina de Tommaso thuộc Đại học Bari, Italy do đã ước lượng mức độ đau đớn, khổ sở mà người ta phải chịu đựng khi nhìn vào một bức tranh xấu, thay vì tranh đẹp.
Giải Ig Nobel Kinh tế thuộc về Viện thống kê quốc gia Italy, do đã đi đầu trong việc thực hiện yêu cầu của Liên minh châu Âu, đòi các nước thành viên phải tăng quy mô nền kinh tế, thông qua việc tính thêm thông tin doanh thu từ hoạt động kinh doanh mại dâm, bán ma túy, buôn lậu và các giao dịch trái luật khác.
Giải Ig Nobel Khoa học Vùng cực được trao cho Eigil Reimers ở Đại học Oslo, Na Uy và các cộng sự, vì thử nghiệm xem tuần lộc phản ứng ra sao khi thấy con người giả dạng làm gấu Bắc cực.
Giải Ig Nobel Dinh dưỡng thuộc về Raquel Rubio, Tây Ban Nha vì nghiên cứu các đặc tính của a-xít lactic lấy từ phân trẻ sơ sinh và tiềm năng dùng a-xít này để làm xúc xích lên men.
9.000 đề cử và ứng cử giải Ig Nobel mỗi năm
Lễ trao giải Ig Nobel năm nay là lần thứ 24 và mỗi năm quy mô giải lại thêm lớn hơn. Marc Abrahams, tổng biên tập tạp chí Biên niên sử các nghiên cứu không tưởng, nói rằng không ít nhà khoa học hiện nay rõ ràng đang tiến hành nhiều nghiên cứu với động cơ giành giải Ig.
“Chúng tôi nhận được 9.000 đề cử mỗi năm. Khoảng 10 - 20% trong đó là tự đề cử. Nhưng các đề cử đó rất khó thắng giải” - ông nói với BBC - “Nguyên nhân chỉ vì họ cố tỏ ra hài hước. Trong khi những người thắng giải lại không khởi đầu như vậy. Họ nghiên cứu nghiêm túc và chỉ sau đó mới nhận ra rằng những gì họ đang theo đuổi thật hài hước”.