Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư và tiến hành phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo mà nhiều nước phương Tây cho là một vụ thử tên lửa tầm xa, Mỹ và Nhật Bản đã siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Hành động này của Triều Tiên cũng đã làm căng thẳng leo thang trong quan hệ với Hàn Quốc, khiến Seoul quyết định đóng cửa khu công nghiệp chung Keasong với Bình Nhưỡng, biểu tượng của sự hòa giải giữa hai miền.
Nghị quyết mới bổ sung cho những thiếu sót trong các nghị quyết trừng phạt trước đó đồng thời áp đặt thêm những biện pháp mới.
Theo nghị quyết, lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các chuyến hàng tới và rời Triều Tiên sẽ bị thanh sát.
Nghị quyết cũng cấm các tàu của Triều Tiên bị tình nghi là chở những mặt hàng phi pháp rời các bến cảng trên khắp thế giới, đồng thời thắt chặt lệnh cấm vận vũ khí để cản trở cả những nhà cung cấp vũ khí loại nhỏ giao dịch với Bình Nhưỡng.
Văn kiện này cũng áp đặt lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu than, quặng, vàng, titan và khoáng sản đất hiếm đồng thời cấm các quốc gia cung cấp cho nước này nhiên liệu dùng trong ngành hàng không.
Trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, nghị quyết mới bắt buộc (thay vì khuyến khích như trong các nghị quyết trước đây) các quốc gia phải phong tỏa tài sản của các cá nhân và thực thể có liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Nghị quyết cũng cấm tất cả các quốc gia cho phép các ngân hàng Triều Tiên mở chi nhánh, văn phòng đại diện mới, đồng thời cấm các thể chế tài chính thành lập liên doanh, thiết lập hay duy trì quan hệ thông tin với các ngân hàng Triều Tiên.
Nghị quyết cũng yêu cầu các quốc gia đóng cửa tất cả các ngân hàng Triều Tiên cũng như chấm dứt các giao dịch ngân hàng với nước này trong vòng 90 ngày.
Theo các nghị quyết trước đây, Triều Tiên bị cấm nhập khẩu hoặc xuất khẩu các mặt hàng và công nghệ hạt nhân hoặc tên lửa cũng như hàng hóa xa xỉ.
Nghị quyết mới mở rộng những mặt hàng bị cấm, bổ sung hàng xa xỉ như đồng hồ đắt tiền, xe trượt tuyết, xe nước giải trí và đồ pha lê.
Văn kiện này cũng bổ sung vào danh sách đen 17 cá nhân và 12 thực thể Triều Tiên.
Tất cả những đối tượng này đều bị phong tỏa tài sản và bị cấm đi lại.
Nghị quyết cũng yêu cầu nối lại các cuộc đàm phán sáu bên để tiến tới "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo cách hòa bình và có thể kiểm chứng được."
Cũng trong ngày 2/3, Hội đồng Bảo an công bố nghiên cứu mới về việc Triều Tiên đã dùng những cách cách nào để lẩn tránh hiệu quả các biện pháp trừng phạt của quốc tế trong suốt một thập niên qua.
Báo cáo, do một ủy ban giám sát lệnh trừng phạt soạn thảo, thừa nhận rằng bốn nghị quyết với những biện pháp trừng phạt mỗi lúc một mạnh hơn đối với Triều Tiên kể từ năm 2006, đã không thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Chẳng hạn như nghị quyết của Liên hợp quốc năm 2006 yêu cầu các quốc gia thành viên phải báo cáo về tất cả các hoạt động thanh sát tàu của Tiều Tiên bị tình nghi là chuyên chở vũ khí hoặc các sản phẩm dùng cho mục đích quân sự.
Song trong 10 năm qua, chỉ có một nước thành viên Liên hợp quốc nộp báo cáo.
Báo cáo lưu ý một số quốc gia tại Đông Nam Á, châu Phi và Trung Đông tiếp tục bán cho Triều Tiên các thiết bị quân sự bị cấm như phụ tùng máy bay không người lái và các hệ thống radar./.