Nga trút giận dữ vào Ukraine khi dính đòn đau của EU

Lương Sơn (tổng hợp) |

Các chuyên gia cho rằng, cơn giận dữ của Nga bắt đầu giáng xuống Ukraine sau khi dính đòn đau với EU trong vụ đàm phán trước đó

Nga giáng đòn trừng phạt với Ukraine sau đàm phán thất bại với EU

Ngày 21/12, Bà Cecilia Malmstrom, Ủy viên châu Âu phụ trách Thương mại cho biết, cuộc đàm phán thương mại giữa Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine diễn ra cùng ngày ở thủ đô Brussels của Bỉ đã thất bại.

Phát biểu sau cuộc họp được coi là "cơ hội cuối cùng" với Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkine và Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexey Ulyukaev, bà Malmstrom cho biết: "Không đạt được thỏa thuận, tài khóa này đã kết thúc. Sẽ không có các cuộc đàm phán tay ba kiểu này nữa."

Cuộc đàm phán trên đổ vỡ trong bối cảnh các nhà lãnh đạo EU cùng ngày đã nhất trí gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, sau khi các lệnh trừng phạt hiện hành hết hiệu lực vào cuối tháng 1/2016.

Trong một thông báo mới nhất được tổ chức này đưa ra thì lệnh trừng phạt Nga sẽ kéo dài thêm 6 tháng (đến ngày 31/7/2016) và chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực như tài chính, dầu mỏ và các lĩnh vực quân sự cũng như các cá nhân cụ thể.

Trong thời gian áp dụng lệnh trừng phạt này, EU sẽ tiếp tục đánh giá sát sao tình hình thực hiện thỏa thuận Minsk tại Ukraine.

Đáp lại tuyên bố trên của EU, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc trừng phạt chỉ khiến Ukraine kéo dài và vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình giữa các bên.

Trong một động thái nhằm đáp trả, chính quyền Tổng thống Putin đã quyết định thắt chặt lệnh trừng phạt thương mại đối với Kiev để trả đũa các biện pháp trừng phạt của Kiev và thỏa thuận thương mại tự do của nước này với EU.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố việc Kiev và EU đồng ý tạo ra khu vực thương mại tự do sâu rộng sẽ biến Ukraine thành cửa sau để cơn lũ hàng xuất khẩu giá rẻ từ EU tràn vào Nga.

Do vậy, Moskva phải dỡ bỏ tất cả ưu đãi về thương mại dành cho Kiev, buộc hàng xuất khẩu của nước này chịu thuế suất ngang bằng với các quốc gia khác. Nga cũng sẽ cấm thực phẩm nhập khẩu từ Ukraine bắt đầu từ ngày 1/1/2016.

Trong một động thái có liên quan, ngày  21/12,  điện Kremlin tuyên bố  Moskva sẽ có hành động pháp lý chống lại Kiev vì không trả được khoản nợ 3 tỉ USD vào hạn chót 20/12.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng chỉ đạo Phó Thủ tướng thuê luật sư và chuẩn bị kháng cáo lên tòa án.

Hãng Bloomberg nhận định rằng, khả năng Nga kiện Ukraine ra tòa là có thật. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Storchak cũng nói Nga sẽ kiện và Kiev không có cơ hội thắng.

Tuy nhiên, để kiện được Ukraine, Nga phải chờ đến đầu năm 2016. Một số nguồn tin cho hay, hai bên sẽ áp dụng quy chế trọng tài và không công bố chi tiết phân xử.

Các chuyên gia cho rằng, Moskva đang có những tuyên bố và động thái cứng rắn nhằm vào Ukraine để trả đũa sau khi đàm phán thỏa thuận 3 bên trước đó nhằm tìm tiếng nói chung rơi vào bế tắc.

Còn nhớ trước đó, vào tháng 10, sau khi đàm phán thất bại, Nga và Ukraine cũng có những động thái đáp trả nhau. Trong khi Moskva siết chặt các biện pháp kinh tế với Kiev thì chính quyền Tổng thống Poroshenko đã ra lệnh cấm các máy bay của Nga bay vào không phận nước này từ ngày 25/10.

Nga tinh giản 10% nhân viên chính phủ do ngân sách gặp khó khăn

Trong một diễn biến khác, ngày 21/12 , Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký nghị định cắt giảm 10% số nhân viên chính phủ từ ngày 1/1/2016.

Quyết định này được công bố trong cuộc họp với các Phó Thủ tướng chính phủ. Ông Medvedev giải thích rằng trong điều kiện tình hình toàn cầu và ngân sách khó khăn, Moskva cần đảm bảo bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả.

"Chúng ta cần bộ máy gọn nhẹ. Chúng ta đã nói về điều này từ lâu, thậm chí ngoài bối cảnh cuộc khủng hoảng. Vấn đề là bộ máy cần sự linh hoạt, và nếu không giám sát quy mô, nó sẽ phình to theo các nguyên nhân khách quan.", thủ tướng Medvedev tuyên bố.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký nghị định cắt giảm 10% số nhân viên chính phủ từ ngày 1/1/2016. Ảnh: AP
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký nghị định cắt giảm 10% số nhân viên chính phủ từ ngày 1/1/2016. Ảnh: AP

Tuy nhiên, Thủ tướng Nga nhấn mạnh quyết định này sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Các Phó Thủ tướng cùng bộ ngành liên quan cần đảm bảo thực thi quyết định, và việc giám sát được giao cho Phó Thủ tướng Sergei Prikhodko.

Việc soạn thảo sắc lệnh tinh giản chính phủ được Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov thông báo hồi đầu tháng 3.

Trước đó, trong tháng 12, chính phủ Nga cũng thông qua đạo luật hủy bỏ việc điều chỉnh lương công chức, sỹ quan quân đội và cơ quan tư pháp trong năm 2016. Theo đề nghị của chính phủ, biện pháp này sẽ có hiệu lực cho đến ngày 1/1/2017.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại