Báo trên bình luận, những năm gần đây Nga đã khôi phục đội tàu chiến tại Địa Trung Hải và nâng cấp cơ sở quân sự ở cảng Tartus của Syria, giáp với sườn Nam của NATO.
Tuần trước, đã diễn ra cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của tuần dương hạm trang bị tên lửa Moskva ở Đông Địa Trung Hải.
Chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, Jeff Mankoff, nhận định: "Nga đang ngày càng tập trung vào phần Đông Địa Trung Hải, nơi họ có các khả năng chiến lược.
Có cảm giác rằng Mỹ đang rời khỏi khu vực, và Nga, với vị trí hiện tại của mình ở Syria, có thể mở rộng sự hiện diện quân sự ở đó."
Theo Foreign Policy, ở một mức độ nào đó, mục tiêu này là kết quả việc sáp nhập bán đảo Crimea và căn cứ Sevastopol. Báo cho rằng uy lực của Nga tại Biển Đen là phương tiện, chứ không phải mục tiêu cuối cùng.
Do Biển Đen chỉ có một lối ra qua eo biểu Bosporus và Dardanelles, với Nga sự hiện diện ở Đông Địa Trung Hải là vô cùng cần thiết.
Moskva đang tăng cường vị thế của mình ở Địa Trung Hải vào thời điểm khi Washington nỗ lực kết thúc cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông và chuyển hướng lực lượng quân sự sang châu Á.
Tình hình này gợi nhớ tới cuộc "khủng hoảng hải quân nghiêm trọng giai đoạn Chiến tranh Lạnh," khi vào năm 1973 trong cuộc xung đột Arab-Israel, Mỹ bỗng thấy mình phải đối mặt với hạm đội hùng mạnh của Liên Xô trong vùng biển mà Washington coi là sân nhà của mình.
Việc Nga tăng cường lực lượng trong khu vực khiến Mỹ lo lắng. Mới đây, Tư lệnh lực lượng NATO ở châu Âu, Tướng Philip Breedlove, cho rằng việc sáp nhập Crimea và đưa tới Syria các loại vũ khí tiên tiến cho phép Nga tạo ra một "vùng kín" ở Biển Đen và Đông Địa Trung Hải.
Vấn đề này đã được nêu trong các cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ: ứng cử viên Đảng Cộng hòa Carly Fiorina đã đề xuất tăng cường Hạm đội 6 của Mỹ ở Địa Trung Hải./.